Cụ thể, sẽ chỉ có hai loại nhãn mác được sử dụng gồm "Best if used by" (Tốt nhất nên sử dụng trước ngày....) dành cho những sản phẩm có hạn dùng dài và "Use by" (Sử dụng trước ngày...) dành cho những sản phẩm có hạn sử dụng ngắn. Việc in hạn sử dụng đơn giản và nhất quán được cho là sẽ giúp giảm 50% lượng thực phẩm bị lãng phí trong giai đoạn trước năm 2025 và đây cũng là một trong những biện pháp ít tốn kém nhất để góp phần vào nỗ lực đẩy lùi tình trạng lãng phí thực phẩm.
Theo kế hoạch, từ nay tới năm 2020, tất cả các thành viên của Diễn đàn Hàng tiêu dùng (CGF) trong đó có một số "ông lớn" của ngành thực phẩm như Campbell Soup to Nestle SA and Unilever Plc. sẽ áp dụng quy trình đơn giản hóa nhãn in hạn sử dụng này. Các tổ chức môi trường hoan nghênh đây là bước đi đầu tiên mở đường cho cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm toàn cầu đồng thời kêu gọi tất cả các nhà bán lẻ tuân thủ nội quy và giảm tình trạng lãng phí thực phẩm.
Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo việc 1/3 số lương thực thực phẩm đang bị lãng phí là một trong số nguyên nhân chính đẩy thế giới đến nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm dù trên thực tế mức sản xuất là đủ để đáp ứng nhu cầu của toàn bộ dân số. Chỉ riêng tại Mỹ, mỗi năm có tới 29 tỷ USD thực phẩm bị bỏ phí chỉ vì những hiểu nhầm về hạn sử dụng in trên bao bì.
Theo CGF, các kiểu in hạn sử dụng hiện hành gồm "Sell by" (bán trước ngày...) "Use by" (Sử dụng trước ngày...) và "Best before" (Tốt nhất nên sử dụng trước ngày...) đã được áp dụng từ những năm 1960 với mục đích tăng tính an toàn cho người tiêu dùng. Song việc có tới 12 đến 15 kiểu nhãn mác này không khỏi khiến cho người sử dụng nhầm lẫn.
Cùng với đó, hầu hết các quốc gia đều không có luật kiểm soát việc in hạn sử dụng nên các công ty tùy ý in ấn cũng khiến người dùng nhầm lẫn và tâm lý chung là khi không phân biệt được họ sẽ tự động bỏ đi, gây ra tình trạng lãng phí.
CGF là tổ chức gồm 400 nhà phân phối và sản xuất thực phẩm từ 70 quốc gia trên thế giới.