Theo hãng tin Reuters, chương trình tài chính thành công nhất của Venezuela những năm gần đây không diễn ra ở Phố Wall, mà trong những mỏ vàng ở vùng rìa phía Nam quốc gia này.
Cơn sốt vàng
Trong lúc nền kinh tế đang lâm khủng hoảng, ước tính có tới 300.000 người săn tìm vận may đã đổ tới vùng rừng rậm giàu khoáng sản miền Nam Venezuela. Cuốc, xẻng của họ đang giúp thêm sức mạnh cho chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng trung ương Venezuela, kể từ năm 2016 đến nay, chính phủ đã mua 17 tấn vàng, trị giá khoảng 650 triệu USD, từ những người khai thác vàng thủ công.
Mặc dù được trả công bằng những đồng tiền giấy mất giá nặng nề, những người thợ đãi vàng đã cung cấp cho chính phủ thứ “ngoại tệ” mạnh để mua sắm những thứ hàng hóa cần thiết như thực phẩm, thuốc men…
Vàng của Venezuela đã gây chú ý với quốc tế hơn bao giờ hết trong bối cảnh khủng hoảng chính trị nổ ra khi Chủ tịch Quốc hội thuộc phe đối lập Venezuela ngày 30/1 tự tuyên bố là “tổng thống lâm thời” và được Mỹ cùng nhiều nước phương Tây ủng hộ. Chính quyền Mỹ đã nhanh chóng áp đặt lệnh cấm vận nhắm ngăn chặn Chính phủ Venezuela có thể đưa vàng dự trữ ra nước ngoài. Washington cũng đang gây sức ép buộc Anh không trả lại số vàng trị giá 1,2 tỉ USD mà Venezuela đang gửi trong Ngân hàng trung ương ở London.
Sự tồn tại của chương trình khai thác vàng mà chính quyền Venezuela tiến hành thì lâu nay đã rõ rồi, nhưng cách thức nó hoạt động ra sao thì chưa.
Để tìm hiểu về “cơn sốt vàng” Venezuela, phóng viên hãng tin Reuters (Anh) đã lần theo nguồn gốc thứ kim loại quý này, từ những mỏ nằm sâu trong rừng rậm, qua Ngân hàng trung ương ở thủ đô Caracas cho tới những nhà máy lọc vàng và quá trình xuất khẩu ra nước ngoài. Phóng viên đã phỏng vấn hơn 30 người hiểu biết về hoạt động khai thác và thương mại vàng, bao gồm thợ mỏ, người trung gian, thương nhân, tới các nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao và quan chức chính phủ. Hầu như tất cả đều đề nghị giấu tên.
Những lệnh trừng phạt của Mỹ đã ảnh hưởng tới ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela, ngăn cản khả năng vay nợ của nước này. Ngành công nghiệp khai thác mỏ chính thức thì đã sa sút bởi quá trình quốc hữu hóa. Vì thế chính quyền Venezuela đã cho phép những người khai thác mỏ tự do đào xới những vùng giàu khoáng sản của đất nước, mà hầu như không có quy định kiểm soát cũng như sự đầu tư nào từ nhà nước.
Công cuộc khai thác vàng giờ đây phụ thuộc lớn vào những người lao động thủ công, như Jose Aular, một nam thanh niên cho biết đã 5 lần bị sốt rét vì chui rúc quanh khu mỏ gần biên giới với Brazil. Aular làm việc 12 tiếng mỗi ngày, kéo những bao tải đất tới một máy xay nhỏ, rồi sử dụng thủy ngân độc hại để chiết xuất vụn vàng. Tại khu vực này, những sự cố hầm mỏ xảy ra thường xuyên, chưa kể nạn cướp bóc, xả súng.
Hành trình của vàng
Hành trình của vàng bắt đầu từ những nơi như La Culebra, vùng rừng rậm hẻo lánh ở miền nam Venezuela. Tại đây, hàng trăm lao động hì hục khai thác vàng theo một quy trình giống như từ thế kỷ 19. Họ đào xới lớp đất đá giàu khoáng sản bằng xẻng, làm việc trong những đường hầm được đào bằng tay, rồi chuyển quặng lên bẳng tời và ròng rọc.
Những người thợ mỏ đối mặt với bệnh sốt rét và những vụ nổ súng tại nơi mà tỉ lệ giết người cao gấp 7 lần mức trung bình cả nước.
Anh thợ mỏ Jose Rondon, 47 tuổi, từ Đông Bắc Venezuela tới đây vào năm 2016, đem theo hai cậu con trai đã trưởng thành. Đồng lương của người lái xe buýt không lại được với tốc độ lạm phát ở Venezuela. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tỉ lệ lạm phát tại nước này sẽ lên tới 10 triệu % trong năm nay.
Ba bố con Jose Rondon chỉ đãi được 10 gram vàng mỗi tháng từ công việc nặng nhọc oằn lưng. Nhưng như vậy cũng đã gấp gần 20 lần số tiền mà họ có thể kiếm được ở quê nhà.
Với quặng vàng trong tay, những người thợ mỏ hướng về thành phố El Callao để bán cho những người thu mua. Hầu hết khách mua đều không được cấp phép, chỉ là những lái buôn nhỏ, làm việc trong những cửa hàng lắp đầy chuông báo động và cửa thép.
Jhony Diaz, một thương nhân vàng được cấp phép ở Puerto Ordaz, cách El Callao 171 km về phía Bắc cho biết ông ta mua vàng từ những lái buôn và cứ ba ngày lại bán lại cho Ngân hàng Trung ương. Vàng được chính phủ mua sẽ được nấu chảy trong các lò luyện ở Minerven, một công ty thuộc sở hữu nhà nước, sau đó được vận chuyển tới kho dự trữ của Ngân hàng Trung ương ở thủ đô Caracas, cách đó 843km.
Nhưng vàng không ở lại đây lâu. Dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Venezuela đã rơi xuống mức thấp nhấp trong 75 năm. Theo hai quan chức cao cấp chính phủ giấu tên, Venezuela đang phải bán vàng thô cũng như dự trữ vàng để chi trả cho các hóa đơn hàng hóa nhập khẩu. Và người mua chủ yếu của họ trong giai đoạn này là Thổ Nhĩ Kỳ.
Video người dân Venezuela vác bao tiền đi mua hàng do lạm phát phi mã:
Đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ
Chính quyền Tổng thống Maduro nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Venezuela bán hầu hết vàng của mình cho các nhà máy lọc vàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, để lấy ngoại tệ mua hàng hóa tiêu dùng phục vụ nhu cầu trong nước. Mì pasta và sữa bột Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay nằm trong chương trình thực phẩm trợ cấp của chính phủ. Hoạt động thương mại giữa hai quốc gia này đã tăng gấp tới 8 lần trong năm ngoái.
Sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 1/11/20018 đã cấm các cá nhân và thực thể Mỹ mua vàng từ Venezuela. Nhưng sắc lệnh này không áp dụng với các khách mua nước ngoài. Ankara đã đảm bảo với Bộ Tài chính Mỹ rằng mọi giao dịch của Thổ Nhĩ Kỳ với Venezuela đều tuân thủ luật pháp quốc tế.
Từ tháng 12/2016, Venezuela đã thông báo mở đường bay thẳng từ Caracas tới Istanbul của hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Turkish Airlines. Số liệu thương mại cho thấy những chiếc máy bay này không chỉ chở hành khách. Theo Reuters, vào ngày đầu tiên của Năm mới 2018, Ngân hàng Trung ương Venezuela bắt đầu chuyển vàng tới Thổ Nhĩ Kỳ trong một chuyến hàng trị giá 36 triệu USD. Chuyến hàng này diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến thăm của Tổng thống Maduro tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo hai quan chức cao cấp Venezuela giấu tên được Reuters phỏng vấn, Ngân hàng Trung ương Venezuela bán vàng thô trực tiếp cho các lò luyện ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng theo nguồn tin này, khách mua bao gồm công ty luyện vàng Istanbul Gold Refinery (IGR) và công ty thương mại Sardes Kiymetli Madenler. Đổi lại, hàng hóa tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ thoải mái vào Venezuela. Reuters cho biết thêm đầu tháng 12/2018, 54 container chở sữa bột Thổ Nhĩ Kỳ đã cập cảng La Guaira gần Caracas.