Theo đó, quốc gia Đông Nam Á này đã rút ngắn thời gian giới nghiêm ban đêm, giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với những người đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh xuống còn 7 ngày.
Tại thủ đô Bangkok - tâm dịch của Thái Lan trong nhiều tháng qua, do số ca mắc mới trong 1 ngày đã giảm xuống còn 1.500 ca so với mốc trên 4.000 ca trong 6 tuần trước đó, nên các cơ sở massage, sân vận động, rạp hát và sở thú cũng được phép mở lại song phải tuân thủ các quy định phòng dịch. Các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích cùng nhiều cơ sở kinh doanh khác cũng đã được kéo dài thời gian mở cửa.
Không chỉ có thủ đô Bangkok, 28 tỉnh được đánh giá là đã khống chế được dịch bệnh cũng đã được phép nới lỏng các hạn chế, trong đó thời gian giới nghiêm ban đêm đã được rút ngắn 1 giờ.
Trong khi du khách nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ chỉ phải cách ly bắt buộc trong 7 ngày, thì du khách chưa được tiêm phòng đầy đủ sẽ phải cách ly 10 ngày.
Bên cạnh đó, Thái Lan còn nới lỏng các quy định đối với du khách đến Phuket - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng của nước này. Kể từ ngày 1/10, du khách đã tiêm phòng đầy đủ chỉ cần ở Phuket 7 ngày trước khi đến các khu vực khác của Thái Lan. Trước đó, theo quy định, du khách phải ở Phuket 7 ngày và ở thêm 7 ngày tại Krabi và Phang-Nga trước khi đi đến các địa điểm khác của Thái Lan.
* Nhằm đẩy mạnh tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được cho là khá thấp, nhà chức trách Thụy Sĩ thông báo những ai thuyết phục được bạn bè đi tiêm vaccine có thể được hưởng 1 bữa ăn miễn phí tại nhà hàng hoặc đi xem phim.
Phát biểu với báo giới tại Bern, Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset nhấn mạnh tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này vẫn thấp do đó nhà chức trách chưa thể chấm dứt các biện pháp khống chế dịch bệnh. Do đó, Thụy Sĩ đã đưa ra sáng kiến 150 triệu franc, theo đó, mỗi người tiêm mới sẽ khai báo tên người thuyết phục họ đi tiêm và người này sẽ được nhận 50 franc Thụy Sĩ (54 USD) để đi xem phim hoặc ăn tại nhà hàng.
Chính phủ Thụy Sĩ cũng lên kế hoạch công bố tuần lễ tiêm chủng quốc gia, với 170 điểm tiêm chủng lưu động.
Chính phủ Thụy Sĩ nêu rõ dù số ca mắc COVID-19 của nước này giảm, song do vẫn còn một lượng lớn những người chưa có miễn dịch, cùng với sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan, nên nước này có nguy cơ hứng chịu làn sóng lây nhiễm mới.
* Trong khi đó, để phòng, chống sự lây lan của COVID-19, Ấn Độ vừa quyết định công dân Anh đến nước này trong tháng 10 sẽ phải cách ly bắt buộc dù đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 4/10 tới. Trước đó, Anh cũng yêu cầu người dân Ấn Độ đã tiêm vaccine của AstraZeneca phải cách ly.
Chương trình tiêm chủng của Ấn Độ chủ yếu sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca, được Viện Serum của nước này sản xuất. Tuy nhiên, theo các quy định mới, Anh không công nhận vaccine này dù giống hệt về liều lượng đã được tiêm cho hàng triệu người dân Anh.
Cùng với Moderna và Pfizer, AstraZeneca là nhà cung cấp vaccine chính trong chương trình tiêm chủng của Anh.