Trong trường hợp Quốc hội không thông qua thỏa thuận tăng mức trần nợ trước ngày 5/6, một cuộc vỡ nợ vẫn có thể xảy ra và làm rung chuyển thị trường tài chính, đẩy nước Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cảnh báo kịch bản Mỹ vỡ nợ sẽ rất thảm khốc, kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế khiến thị trường thế giới cũng chao đảo.
Hiện đảng Cộng hòa đang giành thế kiểm soát Hạ viện với tỷ lệ ghế 222-213, trong khi đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện với tỷ lệ ghế 51-49. Với mức độ chênh lệch không quá lớn như này, thỏa thuận cần phải được có số phiếu ủng hộ từ những thành viên ôn hòa từ cả hai đảng để được thông qua.
Trước đó, để giành được sự ủng hộ cho vị trí Chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy đã nhượng bộ, đồng ý cho phép bất kỳ thành viên nào kêu gọi bỏ phiếu để lật đổ ông. Thỏa thuận trần nợ công mới có thể dẫn đến thế bất lợi cho McCarthy trong trường hợp ông tìm cách làm việc với các đảng viên đảng Dân chủ.
Vài giờ trước khi thỏa thuận sơ bộ được công bố, một số thành viên đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã bày tỏ sự phản đối đối với việc Chủ tịch Hạ viện McCarthy hợp tác với Nhà Trắng.
“Nếu các nhà đàm phán của Chủ tịch Hạ viện đưa ra một mức tăng trần nợ lớn đến mức có thể giúp ông Biden thoát khỏi vấn đề tài chính trong quá trình tranh cử tổng thống, thì đó sẽ là một cuộc chiến”, Hạ nghị sĩ Dan Bishop đăng tải tweet.
Theo các nguồn thạo tin, Nhà Trắng và các nhà đàm phán đã đạt một thỏa thuận trên nguyên tắc để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Các nguồn tin trên cho biết theo thỏa thuận, mức chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi đối với tài khóa hiện tại và tài khóa 2024. Bên cạnh đó, Tổng thống Biden và ông McCarthy sẽ đình chỉ việc áp trần nợ trong 2 năm, đến năm 2025. Như vậy trần nợ sẽ không tăng, song chính phủ Mỹ cũng sẽ không phải lo về việc không thể vay thêm tiền. Hiện trần nợ công của Mỹ là 31.000 tỉ USD. Điều này được xem là cực kỳ có lợi cho đảng Dân chủ, đặc biệt là ông Biden, khi không phải lo lắng về việc lại phải đàm phán về trần nợ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Hạ nghị sĩ Bishop và các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn khác đã chỉ trích gay gắt các chi tiết trong thỏa thuận sơ bộ. Nhóm nghị sĩ này cho rằng Tổng thống Biden đã đẩy lùi thành công một số yêu cầu trong các cuộc đàm phán ngày 27/5. Điều này có thể báo hiệu ông McCarthy có thể gặp khó trong việc lấy phiếu tại Quốc hội.
Trong khi đó, nghị sĩ đảng Dân chủ tiến bộ tại Thượng viện và Hạ viện đều khẳng định họ sẽ không ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào bao gồm điều kiện bổ sung về công việc đối với những người nhận trợ cấp tem lương thực. Tuy nhiên, trong thỏa thuận sơ bộ mới đạt được, Tổng thống Biden và ông McCarthy thống nhất siết chặt điều kiện nhận hỗ trợ lương thực, yêu cầu những người trưởng thành thu nhập thấp có khả năng lao động, không có người phụ thuộc, từ 50 đến 54 tuổi phải có việc làm để nhận được tem luông thực.
Trước khi đạt được thỏa thuận sơ bộ, các bên đều giữ quan điểm cứng rắn về nâng trần nợ công. Phe Cộng hòa đề xuất cắt giảm chi tiêu 130 tỷ USD, với các khoản chi tiêu trong năm tới chỉ hạn chế ở mức bằng năm 2022, coi đây là điều kiện để đạt thỏa thuận tăng trần nợ công. Họ cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách, như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid - chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn.
Ngày 26/5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo Bộ Tài chính ước tính sẽ không còn nguồn lực để đáp ứng các nghĩa vụ của Chính phủ nếu Quốc hội không nâng trần nợ công trước ngày 5/6.