Thách thức chiến lược cho Trung Quốc tại khu vực Trung Đông

Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad là thử thách đối với Trung Quốc trong việc duy trì mối quan hệ với các nước đối tác lớn trong khu vực.

Chú thích ảnh
Chỉ huy lực lượng đối lập Syria Abu Mohammed al-Jolani phát biểu trước các tay súng tại Damascus, sau khi tuyên bố chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ ngày 8/12/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Cuối năm 2023, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phu nhân nhận được sự đón tiếp trọng thị tại Trung Quốc trong chuyến thăm kéo dài sáu ngày, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Tham dự Thế vận hội châu Á tại Hàng Châu, ông Assad được Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết hỗ trợ Syria tái thiết và chống can thiệp từ bên ngoài. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, sự sụp đổ bất ngờ của chính quyền Tổng thống Assad đã trở thành đòn giáng mạnh vào chiến lược Trung Đông của Bắc Kinh.

Trung Quốc, với tham vọng gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, đã tích cực can dự vào các vấn đề khu vực. Năm 2023, Bắc Kinh làm trung gian hòa giải thành công giữa Saudi Arabia và Iran, hai đối thủ lâu năm, tạo tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, những nỗ lực như thúc đẩy hòa bình tại Gaza hay tái thiết Syria vẫn chưa mang lại kết quả rõ rệt.

Ảnh hưởng đối với Trung Quốc

Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad không chỉ làm suy giảm vị thế của hai đồng minh lớn là Iran và Nga tại Trung Đông. Đồng thời, đây cũng là thử thách đối với Trung Quốc trong việc duy trì mối quan hệ với các nước đối tác lớn trong khu vực.

Theo chuyên gia Jonathan Fulton tại Hội đồng Đại Tây Dương, việc Bắc Kinh không thể bảo vệ đối tác chủ chốt như ông Assad đã cho thấy giới hạn trong khả năng định hình các kết quả chính trị tại khu vực này.

Trung Quốc từng kỳ vọng tăng cường vai trò thông qua các sáng kiến như Vành đai và Con đường, với Syria là một trong những quốc gia tham gia từ năm 2022. Nhưng đến nay, các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc vẫn chưa được triển khai, một phần do lệnh trừng phạt quốc tế.

Khó khăn trong định hình chiến lược lâu dài

Một Trung Đông ổn định và ít phụ thuộc vào Mỹ là mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh, theo nhận định của học giả Fan Hongda tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải. Tuy nhiên, sự hỗn loạn ở Syria sau khi ông Assad bị lật đổ đang làm suy yếu nỗ lực của Trung Quốc trong khu vực.

Phản ứng của Bộ ngoại giao Trung Quốc trước sự ra đi của Tổng thống Assad vẫn khá im ắng, chỉ tập trung vào sự an toàn của công dân Trung Quốc và kêu gọi một "giải pháp chính trị" để khôi phục sự ổn định ở Syria càng sớm càng tốt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh ngày 9/12 dường như đã để ngỏ khả năng hợp tác với chính phủ tương lai của Syria khi bà phát biểu: "Mối quan hệ hữu nghị của Trung Quốc với Syria dành cho tất cả người dân Syria".

Các chuyên gia dự đoán Bắc Kinh sẽ thận trọng hơn trong việc công nhận chính phủ mới tại Damascus và có thể giới hạn các cam kết tái thiết để tránh rủi ro tài chính.

Ông Bill Figueroa, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Trung Đông tại Đại học Groningen, nhận định Bắc Kinh khó có thể thay thế vai trò kinh tế hay quân sự của phương Tây tại khu vực này, đặc biệt khi các nguồn lực của Trung Quốc đang được phân bổ lại cho các đầu tư ít rủi ro hơn.

Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad là lời nhắc nhở về giới hạn của sức mạnh mềm và khả năng can thiệp chính trị của Trung Quốc tại Trung Đông.

Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh buộc phải điều chỉnh chiến lược, tập trung vào các khu vực có lợi thế rõ ràng hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong những cam kết quốc tế.

Vấn đề Syria cũng đặt ra câu hỏi lớn về vai trò tương lai của Trung Quốc tại một khu vực vốn từ lâu chịu sự chi phối của các cường quốc như Mỹ. 

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Usnews/Reuters)
Tại sao phương Tây lại thay đổi quan điểm đối với phe đối lập tại Syria?
Tại sao phương Tây lại thay đổi quan điểm đối với phe đối lập tại Syria?

Nhiều quốc gia phương Tây từng đưa các tổ chức đối lập ở Syria vào danh sách khủng bố. Tuy nhiên, mọi thứ có lẽ đang thay đổi khi các lực lượng này kiểm soát Syria sau cuộc nổi dậy thành công. Bà Rachel Marsden, một chuyên gia người Canada đã có bài phân tích trên tờ RT của Nga để làm rõ những điều có thể là mâu thuẫn như trên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN