Trước đó, vào năm 2016, Nga đã hủy yêu cầu cập cảng Ceuta sau khi các đồng minh NATO lên tiếng lo ngại các tàu của Nga sẽ được triển khai để nhắm đến mục tiêu dân thường ở Syria.
“Một nhát dao đâm sau lưng NATO”, ông Nile Gardiner - nhà bình luận chính trị người Anh từng là trợ lý dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher - bình luận về quyết định của Tây Ban Nha cho phép ba tàu chiến Nga, bao gồm tàu tuần dương mang tên lửa Marshal Ustinov, tàu chở dầu Dubna và tàu kéo SB- 406 – nạp nhiên liệu ở Ceuta.
Đồng nhất quan điểm với ông Nile, Luke Coffey - một cố vấn chính trị Mỹ - miêu tả động thái của chính quyền Madrid là "vô trách nhiệm", trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia phương Tây khá lạnh nhạt và thậm chí có phần căng thẳng.
Theo bài viết trên báo El País, một trong những tờ báo lớn của Tây Ban Nha, tàu của Nga được cho là cập cảng Ceuta "chỉ ba ngày" sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến Madrid.
Theo số liệu chính thức, từ năm 2010 đến năm 2016, tàu chiến Nga cập cảng Ceuta 60 lần. Tổng cộng họ chở theo 10.000 binh sĩ, đem đến nguồn lợi nhuận 4,5 triệu euro cho cảng. Đây được coi là một phần lý do vì sao giới chức cảng Ceuta lại nhiệt tình chào đón hạm đội Nga đến vậy.
Các phương tiện truyền thông địa phương cũng bày tỏ thiện chí trước sự trở lại của tàu chiến Nga đối với cảng biển Ceuta. Hãng tin tức El Pueblo de Ceuta cho rằng sự xuất hiện của đội tàu Nga sẽ thúc đẩy "động lực quan trọng" cho nền kinh tế của thành phố, trong khi các doanh nghiệp địa phương chờ đợi “với cánh tay rộng mở”. Một trang mạng khác, El Faro de Ceuta, mô tả buổi lễ tiếp đón các tàu chiến Nga còn được chuẩn bị màn bắn pháo “bất ngờ”.
Nhận định với hãng tin Sputnik, ông Santiago Velo de Antelo - người đứng đầu Học viện Ngoại giao Tây Ban Nha - cho rằng sự xuất hiện của Hải quân Nga tại cảng Ceuta đánh dấu “sự quay trở lại của một sự kiện hết sức bình thường sau một thời gian gián đoạn”. Chuyên gia giải thích sở dĩ Tây Ban Nha phải chịu sự chỉ trích từ các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Anh, là do nước này sợ mất quyền kiểm soát eo biển Gibraltar.
Tuy nhiên, về phần mình, luật sư kiêm nhà kinh tế Tây Ban Nha Guillermo Rockafort lại coi quan điểm của London có phần “đạo đức giả”, khi nước Anh, không hỏi ý kiến ai, đã tự ý sử dụng vùng biển này để sửa chữa “các tàu ngầm hạt nhân bị hư hại” trong năm 2005.
“Tây Ban Nha gửi thông điệp rõ ràng cho Anh, Mỹ và toàn thế giới rằng đây là một quốc gia có chủ quyền và có quyền tự đưa ra những quyết định phù hợp với lợi ích đất nước. Việc Tây Ban Nha thể hiện thái độ trung lập và thậm chí có hơi thân thiện đối với một quốc gia quan trọng như Nga khiến các đồng mình phương Tây cảm thấy khó chịu. Nga và Tây Ban Nha là hai đường biên giới phía Tây và phía Đông của châu Âu. Chúng tôi có những lợi ích về kinh tế, nhân đạo… có thể đề nghị với nhau. Nếu chỉ vì sức ép từ các quốc gia khác mà từ chối hợp tác với nhau thì hết sức phi lý”, ông Guillermo gay gắt thể hiện.