Trong bài phỏng vấn với phóng viên Josh Rogin tờ Washington Post xuất bản mới đây, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết chuyến công du lần này của ông tới khu vực châu Á “thể hiện ý nghĩa cho thấy Mỹ không có nhượng bộ tầm ảnh hưởng hay quyền kiểm soát” cho Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Tổng thống Pence đã gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có cách hành xử ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông và khu vực rộng hơn.
Trên đường từ Tokyo tới Singapore để dự các cuộc họp cấp cao ASEAN, máy bay chở Phó Tổng thống Pence đã bay ngang qua Biển Đông. Phóng viên Rogin trích lời Phó Tổng thống Pence: “Chuyến bay là một sứ mệnh tự do hàng hải. Chúng tôi sẽ không bị hăm dọa. Chúng tôi không lùi bước. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các sứ mệnh tự do hàng hải”.
Mặc dù Mỹ không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Hải quân nước này vẫn tiến hành các cuộc tuần tra, được biết đến với tên gọi FONOP, nhằm đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực theo luật pháp quốc tế.
Về phần mình, Trung Quốc liên tục chỉ trích các hoạt động của Mỹ và cho rằng FONOP đơn thuần chỉ là cái cớ để kiềm chế Bắc Kinh. Trong một bài viết trên báo Global Times xuất bản ngày 12/11, giới chức Trung Quốc cảnh báo sự xuất hiện của Phó Tổng thống Pence trong các cuộc họp ASEAN và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) có thể làm mất đi sự ổn định trên Biển Đông. Trung Quốc cảnh báo Mỹ và các “cường quốc bên ngoài” khác tránh làm gián đoạn các kế hoạch của Trung Quốc nhằm soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Hồi tháng 10, Phó Tổng thống Pence từng thẳng thừng cảnh cáo Bắc Kinh, nhấn mạnh Washington sẽ không “ngoảnh mặt làm ngơ” trước chiến thuật hăm dọa của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trong một bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc sử dụng các khoản vay lớn gây tranh cãi của Trung Quốc để gây ảnh hưởng tới các nước đang phát triển, Phó Tổng thống Pence đưa ví dụ về một vụ suýt va chạm giữa tàu khu trục Mỹ và tàu Trung Quốc ở Biển Đông và gọi đó là một dấu hiệu của "sự quấy rối liều lĩnh" trong khu vực.
Khi được hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi Bắc Kinh không chịu chấp thuận thay đổi cách hành xử tại châu Á theo cách được cho là có thể tránh bùng phát “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” với Mỹ, Phó Tổng thống Pence ám chỉ thực tế đó có thể không tránh được. “Vậy cứ để vậy đi. Chúng tôi luôn ở đây”.