Ông Konstantinos Letymbiotis, người phát ngôn của Chính phủ Cyprus, cho biết thời gian chính xác tàu khởi hành sẽ không được công khai vì “lý do an ninh”. Sau đó, có thông tin cho rằng do “trở ngại kỹ thuật”, con tàu có thể phải rời đến sáng ngày 11/3 mới khởi hành.
World Central Kitchen (WCK), tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ và tổ chức từ thiện Open Arms của Tây Ban Nha đang kỳ vọng chuyến viện trợ đầu tiên - chở các thực phẩm bao gồm gạo, bột mì, đậu lăng, đậu, cá và thịt đóng hộp - sẽ rời đi từ Larnaca vào cuối tuần trước và đến một địa điểm không được tiết lộ ở Gaza trong thời gian hai hoặc ba ngày.
Nhưng tính đến tối ngày 10/3, con tàu vẫn neo đậu ở Cryprus. Ông Letymbiotis cho biết lô hàng đã được quan chức Cryprus kiểm tra theo quy định do Israel phê duyệt.
Người phát ngôn của WCK, bà Linda Roth, từ chối cung cấp “thông tin hậu cần đầy đủ”, viện dẫn tình hình đang leo thang và không ổn định, song bà khẳng định Open Arms sẽ hoạt động sớm nhất có thể. Bà nói thêm rằng các tổ chức từ thiện sẵn sàng gửi thêm 500 tấn hàng viện trợ do UAE tài trợ và công việc đã bắt đầu vào ngày 10/3 thông qua một bến cảng nổi.
Trong diễn biến khác, giới chức ở Washington cho biết một tàu quân sự Mỹ chở thiết bị xây dựng cảng tạm thứ hai ở Gaza đang trên đường đến Địa Trung Hải. Họ nói thêm phải vài tuần nữa cơ sở này mới có thể đi vào hoạt động.
Sự chậm trễ trong việc khởi hành của tàu viện trợ là minh chứng cho thấy sự phức tạp của việc cung cấp viện trợ cho Gaza thông qua các phương tiện đường biển. Israel đã nhiều lần bị cáo buộc không nỗ lực tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo cho 2,3 triệu người của Gaza.
Theo giới phân tích, vùng nước ven bờ nông và thiếu cảng hoạt động khiến các hoạt động hàng hải tương tự trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, không rõ mức độ hỗ trợ thông qua “đường cao tốc trên biển” mới sẽ ảnh hưởng đến tình hình nhân đạo thảm khốc trên thực địa đến mức nào.
Sau 5 tháng xung đột, Liên hợp quốc cho biết 1/4 người dân ở vùng lãnh thổ bị bao vây của Palestine đang trên bờ vực chết đói. Hôm 9/3, Bộ Y tế địa phương cho biết 23 người, trong đó có một số trẻ em, đã tử vong vì mất nước hoặc suy dinh dưỡng trong 10 ngày trước đó.
Trong khi đó, những nỗ lực của các cơ quan nhằm đưa viện trợ nhân đạo đến nơi cần thiết nhất đã bị cản trở nghiêm trọng do trở ngại về hậu cần, trật tự công cộng bị phá vỡ và bộ máy quan liêu của Israel.
Israel cho biết họ hoan nghênh hoạt động viện trợ bằng đường biển và sẽ kiểm tra hàng hóa đến Gaza trước khi rời khỏi khu vực tập trung ở đảo Cyprus gần đó.
Vì hai lối duy nhất vào vùng lãnh thổ ven biển nằm ở phía nam xa xôi, các đoàn xe viện trợ nhân đạo phải đi qua những con đường bị phá hủy dài tới 40km với mối đe dọa cướp bóc luôn chực chờ để đến Thành phố Gaza và các khu vực phía bắc Beit Lahiya, Beit Hanoun và Jabaliya, nơi có điều kiện khắc nghiệt nhất. Nhiều đoàn xe cũng bị lực lượng Israel chặn lại.
Tuần trước, ít nhất 100 người đã thiệt mạng khi lực lượng Israel nổ súng vào một điểm phân phát hàng viện trợ ở thành phố Gaza. Quân đội Israel cho biết hầu hết nạn nhân tử vong do giẫm đạp, đè bẹp lên nhau. Giới chức Palestine và nhân chứng đã phủ nhận điều này. Họ nói rằng hầu hết vết thương của những người được đưa đến bệnh viện đều là vết đạn.
Việc mở hành lang biển do EU hậu thuẫn từ Cyprus, cùng các đợt viện trợ từ Mỹ, Jordan và các quốc gia khác, phản ánh nỗi thất vọng ngày càng tăng ở ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Israel. Các chuyên gia cho rằng Tel Aviv chưa đủ nỗ lực để cung cấp viện trợ cho dân thường đang tuyệt vọng ở Gaza. Số lượng xe tải viện trợ vào lãnh thổ này bằng đường bộ trong 5 tháng qua thấp hơn nhiều so với con số 500 xe mỗi ngày trước xung đột.
Chính quyền Israel đã liên tục phủ nhận các cáo buộc trên. Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) R Adm Daniel Hagari tuyên bố: “Hamas đã lấy cắp viện trợ nhân đạo, dự trữ thiết bị và thực phẩm cho tháng Ramadan cho các thủ lĩnh khủng bố, thay vì thường dân Gaza đang cần giúp đỡ”.
Ông cho hay IDF đang phối hợp với các đối tác Mỹ để điều phối một bến tàu nổi tạm thời giúp tiếp nhận thêm viện trợ nhân đạo cho Gaza. Theo ông Hagari, Israel vẫn thực hiện hoạt động nhân đạo trong khi tiếp tục phá bỏ khả năng quân sự của Hamas và làm mọi thứ có thể để đưa các con tin trở về nhà.
Hai nguồn tin an ninh Cairo nói với Reuters rằng Ai Cập đã liên lạc với các nhà lãnh đạo của Hamas và Israel, cũng như các nhà hòa giải khác trong nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn có thể được thực hiện trong tháng Ramadan.
Tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh cuộc tấn công trên bộ bị đe dọa nhằm vào Rafah, khu vực tương đối an toàn cuối cùng của Gaza, sẽ vẫn được tiến hành bất chấp những nỗ lực ngừng bắn và bắt đầu tháng của người Hồi giáo.
Rafah, khu vực nằm ở biên giới Gaza với Israel, hiện là nơi sinh sống của trên 1 triệu người, hầu hết ở trong các căn lều và các công trình tạm bợ khác.
Thị trấn phía nam này là trung tâm hậu cần quan trọng cho việc vận chuyển viện trợ. Giao tranh gia tăng ở khu vực này sẽ cắt đứt nguồn cung cấp ít ỏi đang được đưa đến lãnh thổ và có nguy cơ gây thương vong lớn cho dân thường.
Hơn nữa, cuộc tấn công vào Rafah trong tháng Ramadan cũng có thể là nguyên nhân khiến bạo lực leo thang trên khắp Israel, các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine và khu vực rộng lớn hơn. Lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq, Syria và Liban cũng đã bị lôi kéo vào cuộc xung đột.