Dẫn báo cáo công bố hôm 5/3, Văn phòng Tổng Thanh tra nói trên cho biết họ đã nhận được 15 khiếu nại về cáo buộc lấy cắp hoặc chuyển hướng viện trợ, 12 khiếu nại về gian lận chương trình viện trợ, 11 khiếu nại về gian lận mua sắm và 11 khiếu nại về xung đột lợi ích.
Văn phòng Tổng Thanh tra cũng nhận được 5 khiếu nại về cáo buộc hối lộ, 5 khiếu nại về quản lý yếu kém cùng 1 khiếu nại về lạm dụng và bóc lột tình dục. Tổng cộng, văn phòng này đã nhận được 182 khiếu nại về hành vi gian lận trong viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, họ không công khai tiết lộ thông tin về các cuộc điều tra mở.
Nhóm thanh tra đã tổ chức 6 cuộc họp với USAID và các nhân viên Chính phủ Mỹ khác. Nhóm cũng đã 5 lần gặp gỡ các thực thể Ukraine và 3 lần gặp gỡ những người thực hiện viện trợ và những người được nhận trợ cấp, cũng như tiến hành 2 cuộc họp nâng cao nhận thức về gian lận.
Trong 2 năm kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ đã chi khoảng 113 tỷ USD cho viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Kiev. Khoảng 45 tỷ USD trong số đó đã được chi cho vũ khí, đạn dược và các hỗ trợ quân sự.
Vào mùa hè năm 2022, một bài báo của đài CBS News cho rằng chỉ có khoảng 30% số vũ khí phương Tây gửi đến thực sự được đưa ra tiền tuyến ở Ukraine. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cảnh báo rằng vũ khí phương Tây gửi cho Ukraine có nguy cơ bị tuồn ra chợ đen và tới các vùng đang xảy ra xung đột khác trên thế giới.
Mỹ kể từ đó đã triển khai hàng chục giám sát tới Ukraine để theo dõi các chuyến hàng vũ khí mà nước này viện trợ cho Kiev.