Ông Ziad Issa, người đứng đầu chính sách nhân đạo của tổ chức từ thiện ActionAid, nhận định: “Tuyến đường biển này sẽ phải mất vài tuần để xây dựng, trong khi người dân số đang đói khát ở Gaza đang tăng từng ngày. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trẻ em chết đói”.
Trong thông điệp liên bang hôm 7/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra kế hoạch xây dựng cảng nổi quân sự nhằm tăng tốc viện trợ cho Gaza. Lầu Năm Góc cho biết kế hoạch xây cảng này có thể mất tới 60 ngày với sự tham gia của hơn 1.000 binh sĩ Mỹ. Hệ thống cảng này dự kiến có thể giúp cung cấp khoảng 2 triệu bữa ăn mỗi ngày cho người dân ở Gaza.
Quyết định của Mỹ nhận được sự hoan nghênh từ Liên hợp quốc, đặc biệt trong bối cảnh các nỗ lực cứu trợ người dân dải Gaza đang gặp phải rất nhiều cản trở, thậm chí đã có những sự cố thương vong thảm khốc khi phân phát hàng viện trợ. Tuy nhiên, Israel đang hoài nghi về mức độ hiệu quả của việc cung cấp viện trợ, đặc biệt là ở miền bắc, nơi nguy cơ nạn đói dễ xảy ra nhất.
Theo kế hoạch, các thanh sát viên Israel sẽ có mặt tại cảng Larnaca của Cyprus, theo dõi kỹ lưỡng các chuyến hàng viện trợ đi vào miền nam Gaza. Cuộc thanh tra này sẽ cung cấp cho Israel công cụ để điều chỉnh dòng chảy viện trợ dưới danh nghĩa kiểm tra an ninh.
Song với Israel, làm việc trực tiếp với quan chức hậu cần của Mỹ sẽ khó khăn hơn làm việc với các nhóm viện trợ. Tuy nhiên, có nhiều cách khác để chính phủ Israel, một liên minh bao gồm các bộ trưởng phản đối mọi lô hàng viện trợ vào Gaza, cản trở kế hoạch này.
“Mọi người nói rằng đây là một tình huống phức tạp, nhưng nó rất đơn giản. Israel hiện không cho phép viện trợ đến Dải Gaza”, ông Issa nói.
Theo kế hoạch, các kỹ sư quân sự Mỹ sẽ xây dựng cảng nổi ngoài khơi bờ biển Gaza, để hàng viện trợ lương thực có thể được dỡ xuống các tàu từ Larnaca và một con đường nổi đắp cao để đưa hàng viện trợ vào bờ. Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết dân số Gaza đã phải sơ tán nhiều lần, không tập trung ở bờ biển này.
Ông Jeremy Konyndyk, Chủ tịch Tổ chức Người tị nạn Quốc tế, từng là quan chức cấp cao trong Chính quyền Tổng thống Biden, nói: “Ai sẽ phân phát những lô hàng này? Các tổ chức viện trợ hầu như không hiện diện ở phía bắc Gaza vì Israel đã kêu gọi mọi người sơ tán và hạn chế việc tiếp cận phía bắc kể từ đó”.
Ông Konyndyk cho biết hành lang viện trợ hàng hải được đề xuất cũng không giải quyết được những thách thức của Israel. Nhưng thay vì là vấn đề ở điểm đầu vào, giờ đây vấn đề nằm ở giai đoạn phân phối. Trong ngắn hạn, các cộng đồng dân cư gần bờ sẽ phải tự phân phát thực phẩm cho nhau.
Hơn nữa, việc viện trợ xung quanh dải đất này không chỉ cần có xe tải và lái xe mà còn phải có một số biện pháp đảm bảo an ninh, vì nỗi tuyệt vọng bao trùm và nạn cướp bóc tràn lan dải đất này. Trước đó, quân đội Israel đã hộ tống xe chở hàng viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nhỏ, nhưng nỗ lực giao hàng vào ngày 29/2 ở ngoại ô thành phố Gaza đã diễn ra với vụ tấn công khiến ít nhất 115 người thiệt mạng sau khi binh lính Israel nổ súng sau khi mọi người đổ xô đi lấy xe chở thực phẩm.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố phần lớn thương vong là do người dân dẫm đạp, đè bẹp nhau, nhưng các quan chức và nhân viên y tế của Liên hợp quốc cho biết phần lớn các vết thương này là do đạn bắn.
“Ngay cả khi có lệnh ngừng bắn, thời gian đầu sẽ rất lộn xộn, bởi bộ máy an ninh từng tồn tại đã sụp đổ, cơ cấu tổ chức và nhóm lãnh đạo có nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho cộng đồng cũng đã tan vỡ”, ông Konyndyk cho hay, song nói rằng ông ủng hộ bất kỳ đề xuất nào có ích vào thời điểm này.
Ở thời điểm hiện tại, Washington cũng chưa xác định được phải bảo vệ cảng nổi thế nào trước các mối đe dọa trong khu vực. Về vấn đề này, Lầu Năm Góc cho biết đang thảo luận với các đối tác, trong đó có Israel.
Khi được hỏi liệu Mỹ có lường trước cảng này sẽ trở thành mục tiêu tấn công của phong trào Hamas hay không, Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Rydernói đó chắc chắn là một rủi ro.
“Nhưng nếu Hamas thực sự quan tâm đến người Palestine, thì một lần nữa, hy vọng rằng sứ mệnh viện trợ từ quốc tế cho những người cần nó có thể diễn ra suôn sẻ”, ông cho biết.
Ông Ryder cam kết trong quá trình xây dựng cảng sẽ không có binh sĩ Mỹ nào tiến vào Gaza dù chỉ là tạm thời.
Trong khi một số thành viên đảng Dân chủ hoan nghênh việc thúc đẩy viện trợ, nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa lại có quan điểm khác.
“Xây dựng một cảng ở Gaza là xây dựng cảng cho Hamas”, thượng nghĩ sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio viết trên mạng xã hội X.
Một số nhà lập pháp và tổ chức cứu trợ nhận định kế hoạch cảng nổi của Mỹ nhằm che đậy một vấn đề lớn hơn. Đó sự thất bại trong việc thuyết phục Chính phủ Israel nhằm đưa thêm hàng viện trợ vào Gaza thông qua đường bộ - con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất.
“Đây không phải vấn đề hậu cần mà là vấn đề chính trị. Thay vì trông cậy vào quân đội Mỹ để xây dựng một giải pháp tạm thời, Mỹ nên nhấn mạnh việc tiếp cận nhân đạo ngay lập tức thông qua những con đường và các điểm vào hiện có”, Giám đốc điều hành Avril Benoit của Tổ chức Bác sĩ không biên giới tại Mỹ nói.