Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông và Bắc Phi, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết một máy bay C-130 của Mỹ đã phân phát hơn 11.500 suất ăn cho dân thường ở khu vực phía Bắc Gaza. Đây là lô hàng viện trợ thứ 4 được Mỹ thả xuống dải đất này.
Trước đó, Mỹ đã tiến hành đợt thả thực phẩm đầu tiên xuống Gaza vào ngày 2/3, cung cấp hơn 38.000 suất ăn, sau đó thả hơn 36.000 suất ăn vào ngày 5/3 và phân phát hơn 38.000 suất ăn vào ngày 7/3. Tuy nhiên, số người cần viện trợ ở Gaza lớn hơn nhiều so với số lượng hàng viện trợ có thể được cung cấp bằng đường hàng không. Ngày 7/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quân đội nước này sẽ thành lập một cảng tạm thời ngoài khơi bờ biển Gaza để cung cấp thêm viện trợ tới đây. Lầu Năm Góc cho biết việc xây cảng sẽ đòi hỏi phải huy động hơn 1.000 binh sĩ Mỹ trong khoảng 60 ngày.
Cùng ngày 8/3, Canada tuyên bố sẽ nối lại viện trợ cho Cơ quan Cứu trợ Người tị nạn Palestine (UNRWA) của Liên hợp quốc (LHQ), hơn một tháng sau khi đình chỉ viện trợ cho cơ quan này.
Vào cuối tháng 1, Canada cùng với khoảng 15 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản, đã đình chỉ tài trợ cho UNRWA liên quan cáo buộc của Israel cho rằng 12 nhân viên của UNRWA dính líu đến vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza. Quỹ của UNRWA đã bị cắt giảm 450 triệu USD - tương đương với hơn 50% số tiền nhận được trong năm 2023.
Trong khi đó, Italy tuyên bố tham gia sáng kiến của Chính phủ CH Cyprus nhằm tạo ra một hành lang hàng hải nhân đạo trên biển đưa thêm viện trợ vào Dải Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani khẳng định: “Italy cam kết tham gia hành lang nhân đạo hàng hải do Cyprus đề xuất để viện trợ cho người dân Palestine ở Gaza”.
Sau khi Dải Gaza bị phong tỏa khiến nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 2 triệu người dân của dải đất này cạn kiệt, nhiều quốc gia đang thúc đẩy các tuyến đường mới để vận chuyển viện trợ nhằm ngăn chặn nạn đói và khủng hoảng nhân đạo.