Một năm sau khi mắc COVID-19, người từng nhiễm bệnh có nguy cơ gặp phải chứng rối loạn tâm thần cao hơn so với nhóm không bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Cô lập xã hội, sức ép kinh tế, nỗi đau mất mát người thân cùng nhiều tác nhân khác trong đại dịch có thể khiến người bệnh gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu.
Đây là kết quả từ công trình nghiên cứu được công bố trên tạp trí y khoa BMJ hôm 16/2, dựa trên phân tích dữ liệu khảo sát của gần 154.000 bệnh nhân mắc COVID-19, có so sánh trạng thái của người bệnh trong khoảng thời gian một năm từ khi khỏi bệnh với nhóm đối tượng chưa từng mắc COVID-19. Đối tượng khảo sát được lựa chọn là bệnh nhân COVID-19 mà hai năm trước khi nhiễm chưa có bất kỳ biểu hiện bất ổn nào về sức khỏe tâm thần hay phải trải qua quá trình điều trị chứng rối loạn tâm thần.
Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học Mỹ, đứng đầu là tiến sĩ Ziyad Al-Aly thuộc Đại học Washington ở St. Louis. Nhóm của tiến sĩ Al-Aly đã phân tích dữ liệu trên hệ thống y tế của Bộ Cựu chiến binh Mỹ với 153.848 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 từ ngày 1/3/2020 đến ngày 15/1/2021 và sống sót sau 30 ngày đầu tiên kể từ khi nhiễm bệnh.
Những bệnh nhân này được so sánh với hơn 5,6 triệu bệnh nhân không mắc COVID-19 trong cùng thời kỳ và với hơn 5,8 triệu bệnh nhân khám trước đại dịch trong giai đoạn từ tháng 3/2018 đến tháng 1/2019. Để có được kết quả chính xác, khách quan so với các virus khác, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành khảo sát, đánh giá, so sánh với 72.000 bệnh nhân mắc virus cúm mùa ở thời điểm hai năm rưỡi trước khi đại dịch xuất hiện.
Theo đó, người mắc COVID-19 tăng 39% nguy cơ mắc chứng trầm cảm (depression), tăng 35% nguy cơ rối loạn lo âu (anxiety) so với người không nhiễm. Bệnh nhân COVID-19 cũng có nguy cơ mắc chứng căng thẳng thần kinh (stress) cao hơn 38% so với người bình thường. Nguy cơ mất ngủ ở người từng nhiễm nhiễm SARS-CoV-2 cũng cao hơn 41% so với người không mắc COVID-19.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sau khi nhiễm COVID-19, nguy cơ mắc phải các biểu hiện rối loạn nhận thức như sương mù não (brain fog), nhầm lẫn, mất trí nhớ ở người bệnh cao hơn 80% so với người thường. “Rõ ràng xuất hiện nhiều chứng bệnh về sức khỏe tâm thần ở người mắc COVID-19 nhiều tháng sau đó”, Paul Harrison, giáo sư chuyên ngành tâm thần tại Đại học Oxford nhận định.
Nguy cơ rối loạn tâm thần ở bệnh nhân COVID-19 nặng phải nhập viện cũng cao hơn ở người nhiễm nhẹ và nguy cơ đó ở người bệnh thể nhẹ, trung bình lại cao hơn so với người không nhiễm SARS-CoV-2. Đáng chú ý, “so với người nhập viện vì những nguyên nhân khác như bệnh tim, hóa trị ung thư, người nhập viện do mắc COVID-19 có nguy cơ rối loạn tâm thần cao hơn sau điều trị”, tiến sĩ Al-Aly cho biết.
Mốc thời gian thu thập dữ liệu là từ ngày 1/3/2020 đến ngày 15/1/2021. Đây là giai doạn đầu của đại dịch tại Mỹ, thời điểm có rất ít người được tiêm chủng. Vì thế, nhóm nghiên cứu chưa có điều kiện đánh giá tác động của vaccine đối với ngăn chặn, giảm nguy cơ rối loạn tâm thần ở người từng mắc COVID-19. Tiến sĩ Al-Aly cho biết ông và các đồng nghiệp có kế hoạch phân tích về tác dụng của vaccine trong mối liên hệ với với sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân từng nhiễm virus SARS-CoV-2.