Tìm ra điểm bất thường giải thích chứng khó thở hậu COVID-19

Những điểm bất thường ở phổi của người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài có thể giải thích lý do vì sao nhiều người bị khó thở sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Chú thích ảnh
Chụp CT chỉ cho thấy cấu trúc của phổi, nhưng kỹ thuật MRI chuyên biệt có thể cho thấy tình trạng hoạt động của cơ quan này. Ảnh: PA

Tờ Guardian đưa tin phát hiện này dựa trên một nghiên cứu thí điểm ở 36 bệnh nhân gặp các triệu chứng của COVID-19 kéo dài, cho thấy khả năng virus có thể gây tổn thương vi thể phổi mà các xét nghiệm thông thường không thể tìm thấy. 

Khó thở là triệu chứng hậu COVID-19 mà phần lớn bệnh nhân đều gặp phải. Tuy nhiên, chưa rõ liệu tình trạng này có liên quan đến các yếu tố khác, chẳng hạn như thay đổi kiểu thở hoặc mệt mỏi, hay không.

Theo Tiến sĩ Emily Fraser, chuyên gia tư vấn tại các bệnh viện thuộc Đại học Oxford và là đồng tác giả của nghiên cứu, khám phá mới nhất này chính là bằng chứng đầu tiên cho thấy lá phổi có thể bị suy kém vì virus SARS-CoV-2. 

Bà Fraser cho hay: “Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh những bất thường về phổi ở những người gặp tình trạng khó thở hậu COVID-19, trong khi các cuộc điều tra khác không có gì đáng chú ý”.  Nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus đang gây ra một số dạng bất thường dai dẳng trong cấu trúc vi mô của phổi hoặc trong hệ mạch phổi. Theo bà, cần phải nghiên cứu sâu hơn để làm rõ ý nghĩa lâm sàng của những phát hiện trên, trong đó có cả cách chúng ảnh hưởng đến chức năng thở.

Họ cho rằng hiệu quả làm việc phổi - trao đổi carbon dioxide và oxy - có thể bị tổn hại, ngay cả khi cấu trúc của phổi vẫn bình thường.

Trong khi đó, Claire Steves, giảng viên cao cấp về lâm sàng tại trường King’s College London, đánh giá phát hiện này sẽ thu hút sự quan tâm đáng kể của những người đang phải sống chung với chứng khó thở kéo dài.

Bà Emily Fraser cùng các đồng nghiệp là những người mới nhất nêu bật sự khác biệt về sinh lý ở những người bị COVID-19 kéo dài. Họ chỉ ra yếu tố “đặc trưng kháng thể” có thể giúp xác định những người có nguy cơ cao nhất gặp phải hội chứng trên.

Nghiên cứu mới của họ đang sử dụng một kỹ thuật chụp ảnh MRI chuyên biệt, yêu cầu bệnh nhân hít khí xenon khi nằm trong máy quét. Dòng khí có thể được theo dõi khi nó di chuyển từ phổi vào máu, cho biết tình trạng hoạt động của phổi như thế nào. Điều này trái ngược với chụp CT khi chỉ cho thấy cấu trúc của phổi.

Nghiên cứu thí điểm này đã so sánh ba nhóm: bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng COVID-19 kéo dài có kết quả chụp CT bình thường, những người đã nhập viện vì COVID-19 hơn ba tháng trước đó và không bị triệu chứng kéo dài, và nhóm đối chứng hoàn toàn khỏe mạnh.

Kết quả ban đầu được công bố trên trang chia sẻ dữ liệu khoa học bioRxiv cho thấy có sự truyền dẫn khí bị suy giảm đáng kể từ phổi đến máu ở những bệnh nhân COVID-19 kéo dài. Những bất thường tương tự cũng được phát hiện ở những bệnh nhân COVID-19 nhập viện vì triệu chứng nặng.

Chuyên gia Fraser cho biết các chương trình phục hồi chức năng, chẳng hạn như luyện thở, thực sự hữu ích đối với những người bị rối loạn nhịp thở. 

Xuân Chi/Báo Tin tức
Số ca mắc COVID-19 tại Olympic mùa đông Bắc Kinh tăng mạnh
Số ca mắc COVID-19 tại Olympic mùa đông Bắc Kinh tăng mạnh

Trong một thông báo ngày 29/1, Ban tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 cho biết số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày trong số các vận động viên và quan chức đoàn dự sự kiện thể thao này đã tăng mạnh lên 19 ca ngày 28/1 so với 2 ca một ngày trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN