Theo Thenationalnews.com ngày 15/3, các quan chức Chính phủ Trung Quốc và Mỹ mới đây đã có cuộc thảo luận trực tiếp cấp cao đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra.
Sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ở Rome, phía Mỹ cho biết cuộc thảo luận dài 6 giờ của họ là "quan trọng" trong khi phía Trung Quốc mô tả là "mang tính xây dựng".
Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, ông Dương Khiết Trì nêu rõ: "Trung Quốc cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Cộng đồng quốc tế nên cùng hỗ trợ để các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine đạt được kết quả thực chất và giúp tình hình hạ nhiệt càng sớm càng tốt".
Điều này tương đồng với quan điểm của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Josep Borrell, người ủng hộ việc Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trong nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
"Không có sự thay thế nào. Chúng tôi không thể là người hòa giải, điều đó rõ ràng và cũng không thể là Mỹ. Đó phải là Trung Quốc", ông Borrell nói.
Vậy đâu là lý do khiến Trung Quốc muốn trở thành trung gian hòa giải để cuộc xung đột ở Ukraine sớm chấm dứt?
Thứ nhất, sự bất ổn lớn ở Đông Âu và những bất ổn kinh tế ở cả Nga và Ukraine đều không có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả Ukraine và Nga, cả hai đều rất quan trọng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Nền nông nghiệp của Ukraine có vai trò quan trọng đối với Trung Quốc, trong khi các lệnh trừng phạt từ phương Tây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc-châu Âu chạy qua Nga.
Về dài hạn, một nước Nga suy yếu, bị quốc tế cô lập cũng không phải là một kết quả tốt đối với Trung Quốc. Trong kịch bản này, nếu Trung Quốc xích lại gần Nga, điều đó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, vốn có tổng giá trị thương mại gần 700 tỷ USD.
Cuối cùng, như Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, đồng thời là cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc, nhận định: "Xung đột càng kéo dài, sự hồi sinh liên minh phương Tây xung quanh ý tưởng về một cuộc đối đầu dựa trên giá trị giữa Đông và Tây sẽ càng mạnh mẽ, khiến Mỹ và Liên minh châu Âu liên kết chặt chẽ hơn, đồng thời thúc đẩy tình trạng tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng trên toàn cầu. Điều đó không tốt cho Trung Quốc, vốn muốn duy trì mối quan hệ kinh tế hiệu quả với phương Tây và tập trung nguồn lực vào phát triển trong nước".