Tại sao Nhà Trắng cho rất ít phóng viên vào đưa tin về Hội nghị Mỹ-Triều

Chỉ có 7 phóng viên Mỹ được phép chứng kiến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6 tại Singapore. Đây là một con số quá ít ỏi cho một sự kiện lớn như vậy.

Do bị hạn chế tiếp cận, nhiều phóng viên tác nghiệp qua... TV. Ảnh: AFP

Theo tạp chí Politico, Nhà Trắng đã hạn chế phóng viên Mỹ tiếp cận một số hoạt động quan trọng trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, bất chấp những thỏa thuận có từ xưa nay với giới báo chí về việc đảm bảo phóng viên có thể đưa tin đầy đủ về các sự kiện.

Trong số 7 phóng viên trên cũng có ít đại diện của các đài phát thanh và truyền hình hơn thường lệ.


Đây là một con số nhỏ hơn nhiều so với một hội nghị thượng đỉnh tương tự. Một số đại diện của những hãng tin lớn thậm chí còn không có mặt.


Theo Politico, số lượng phóng viên Mỹ ít ỏi như vậy dường như là để phù hợp với số lượng phóng viên Triều Tiên.


Chính vì giới hạn báo chí Mỹ tiếp cận nên giới phóng viên và quan chức Nhà Trắng đã rất căng thẳng ở Singapore.


Theo những trường hợp thông thường, nhóm báo chí Mỹ tại sự kiện tương tự sẽ phải có hàng chục đại diện của báo in, báo hình và đài phát thành, gồm những tên tuổi lớn như AP, Bloomberg và Reuters. Sau khi bị loại ra khỏi danh sách trước đó, phóng viên từ những hãng báo chí này đã được bổ sung để đưa tin về cuộc họp song phương mở rộng Mỹ-Triều. Dù vậy, số lượng phóng viên vẫn rất hạn chế.


Tại bữa trưa công việc giữa hai nhà lãnh đạo, chỉ một quay phim của chính phủ Singapore và một số phóng viên ảnh được tiếp cận. Tuy nhiên, không có nhà báo Mỹ nào được phép đưa tin về sự kiện này.


Còn khi Tổng thống Mỹ gặp ông Kim Jong-un và chuẩn bị cho hội đàm kín, báo chí chỉ được tiếp cận có vài phút lúc đầu. Một nhà báo Mỹ hỏi Tổng thống Trump cảm thấy ra sao, rồi một nhà báo Triều Tiên hỏi ông Kim Jong-un. Sau đó, báo chí bị lùa ra khỏi phòng.


Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee phân trần với tạp chí Politico: “Chúng tôi đã nỗ lực rất lớn để cho báo chí tiếp cận sự kiện và tiếp tục đưa tin mở rộng suốt cả buổi sáng”.


Trái lại, Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Nhà Trắng Margaret Talev cho rằng việc Nhà Trắng hạn chế số phóng viên đã ảnh hưởng tới việc đưa tin.


Bà Talev cáo buộc: Do không được tiếp cận nên các phóng viên và hãng tin đã rất vất vả trong xác định chính xác những gì mà Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un đã nói.


Hiệp hội nhắc lại rằng các thành viên phản đối bất kỳ hành động nào trong hạn chế báo chí đưa tin về cuộc gặp ngoại giao có lẽ là quan trọng nhất nhiệm kỳ tổng thống này.


Hãng tin AP phát thông báo từ giám đốc quan hệ đối ngoại Lauren Easton: “AP gặp rắc rối vì quyết định hạn chế truyền thông tiếp cận hội nghị thượng đỉnh ở Singapore. Đó là điều có hại cho công chúng – những người xứng đáng theo dõi tin tức hoàn chỉnh, chính xác, tức thời về một trong những cuộc họp quan trọng nhất của Tổng thống”.


Tiếp cận báo chí tại các cuộc họp cấp cao giữa các lãnh đạo thường được đàm phán từ trước đó rất lâu. Tuy nhiên, chỉ một tuần trước hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, bà Sanders thông báo Nhà Trắng vẫn đang xem xét chi tiết.


Thùy Dương/Báo Tin tức
Bộ Ngoại giao Mỹ nhầm Singapore thuộc Malaysia
Bộ Ngoại giao Mỹ nhầm Singapore thuộc Malaysia

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6, nhưng đã có nhầm lẫn lớn khi chú thích Singapore là một phần của Malaysia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN