Tác động toàn cầu sau khi FED tăng lãi suất lên cao nhất từ năm 2008

Quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 21/9 đã gây tác động tới thị trường toàn cầu, khiến nhiều ngân hàng trung ương đồng loạt có động thái tương tự.

Tăng lãi suất lên mức cao nhất từ năm 2008

Chú thích ảnh
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin AP, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, đã kết thúc hai ngày họp thường kỳ. Sau cuộc họp, FED thông báo quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, lên biên độ 3% - 3,25%.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay và là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức độ mà Chủ tịch FED Jerome Powell gọi là “cao bất thường”. Biên độ 3% - 3,25% cũng là lãi suất cao nhất của FED tính từ tháng 1/2008.

FED cho biết để chống lạm phát, ngân hàng này có thể sẽ tăng lãi suất lên 4,4% trước cuối năm nay và lãi suất có thể đạt mức đỉnh 4,6% vào năm 2023.

FED cũng điều chỉnh các dự báo kinh tế quý của nước này, cho rằng nền kinh Mỹ sẽ sụt giảm trong năm 2022 và đạt tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 0,2%, sau đó sẽ tăng lên 1,2% vào năm 2023. FED dự báo lạm phát vẫn ở ngưỡng rất cao: 5,4% trong năm 2022. FED kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống quanh mức 2% vào năm 2025.

Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tại nước này đã tăng lần lượt 0,1% và 8,3% so với tháng 7 và tháng 8/2021, vượt dự báo của giới quan sát.

Lạm phát cao tại Mỹ gây nhiều khó khăn cho người dân. Một số chuyên gia dự báo nền kinh tế Mỹ có thể sẽ bắt đầu suy thoái từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới, buộc FED sau đó sẽ phải giảm dần lãi suất. Tuy nhiên, các quan chức FED tới nay vẫn bác bỏ khả năng này và cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên khoảng 3,75-4% vào năm sau để chặn đà lạm phát nhưng sẽ không gây ra quá nhiều tổn thất hay gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế.

Các thị trường phản ứng với quyết định của FED

Chú thích ảnh
Giao dịch viên làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Sau thông báo tăng lãi suất của FED, các chỉ số chứng khoán chủ lực tại Phố Wall đã lao dốc. Chỉ số chứng khoán Dow Jones và S&P 500 đều giảm 1,7% xuống còn 30.183,78 điểm và 3.789,93 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 1,8% xuống còn 11.220,19 điểm.

Tính trong cả tuần, các chỉ số này lần lượt để mất 4%, 4,6% và 5,1% giá trị. Chỉ số Dow Jones đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, trong khi chỉ số S&P 500 tiệm cận mức đáy thiết lập hôm 17/6 vừa qua.

Tại Canada, làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư cũng khiến chỉ số chứng khoán tổng hợp S&P/TSX của nước này giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/9. Chỉ số S&P/TSX giảm 2,75%, đóng cửa ở mức 18.480 điểm. Đây là mức thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 7/2022.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, ngày 21/9, thị trường chứng khoán châu Âu cũng phản ứng tiêu cực. Cụ thể, chỉ số EURO STOXX 50 giảm 2,3% về 3.348,60 điểm; chỉ số FTSE 100 của Anh và DAX của Đức cùng giảm 2%, lùi về 7.018,60 điểm và 12.284,19 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 2,3% xuống còn 5.783,14 điểm.

Giá dầu cũng giảm mạnh trong ngày 23/9 do gia tăng lo ngại về suy soái kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng giảm trong thời gian tới. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11 giảm 5,7% xuống 78,74 USD/thùng; giá dầu Brent giảm 4,8% xuống 86,15 USD/thùng. Như vậy, hiện cả 2 loại dầu này đều đang được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Vàng cũng quay đầu giảm giá sau các ngày tăng trước đó do đồng USD tăng mạnh. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex giảm 25,5 USD, tương đương 1,52%, xuống còn 1.655,6 USD/ounce. Trong cả tuần qua, giá vàng đã giảm 1,7% và đang được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4/2020 đến nay.

Chỉ số đo giá trị đồng USD so với những đồng tiền chính trên thị trường tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ là 111,65. Đồng euro, thành phần lớn nhất trong chỉ số USD, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm, chạm mức 1 euro đổi 0,9810 USD.

Theo giới phân tích, do lãi suất của Mỹ sẽ tăng thêm nữa trong thời gian dài, vì vậy xu hướng này vẫn hỗ trợ đồng USD trong một thời gian. Kể từ đầu năm nay, chỉ số đồng USD đã tăng gần 16%, mức tăng phần trăm tính theo năm lớn nhất kể từ năm 1972.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng không có cách nào dễ dàng hơn để giảm lạm phát, đồng thời nhắc lại rằng ngân hàng này muốn hành động cứng rắn ngay bây giờ và duy trì điều đó. Ông nói thêm rằng các hành động của FED có thể dẫn đến tăng trưởng chậm hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Hàng loạt ngân hàng trung ương tăng lãi suất

Chú thích ảnh
Đồng tiền mệnh giá 50 bảng Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Nikkei, sau khi FED tăng lãi suất, ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia khác cũng đưa ra động thái tương tự.

Cụ thể, tại châu Âu, ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm lên 2,25%. BoE có quan điểm cần phải thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa để kiểm soát lạm phát. Với quyết định này, lãi suất chuẩn của BoE tăng lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Cùng ngày, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cũng tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, nâng lãi suất lên 0,5% từ mức âm 0,25% hồi tháng 6. Đây mới là lần tăng lãi suất thứ hai trong vòng 15 năm qua. SNB cho biết không loại trừ khả năng tiếp tục tăng thêm lãi suất trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác đang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế giá cả leo thang. Trước đây, tỷ giá của Thụy Sĩ đã bị cố định ở mức âm 0,75% trong nhiều năm do SNB cố gắng kiềm chế đồng franc tăng giá.

Tại châu Á, ngày 22/9, các ngân hàng trung ương của Philippines và Indonesia đều tăng lãi suất tiêu chuẩn. Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) cùng ngày đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, lên 3,5%, mức cao nhất trong vòng 14 năm qua.

Các nước vùng Vịnh như Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Oman đều tăng lãi suất.

Động thái tăng lãi suất ồ ạt của các ngân hàng trung ương đã khiến Ngân hàng Thế giới (WB) phải đưa ra cảnh báo. Theo WB, ngân hàng trung ương các nước đưa ra các biện pháp riêng rẽ nhằm kiểm soát lạm phát trong nước một cách hiệu quả là điều cần thiết, song có khả năng cao cũng sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu hơn. Do đó, các nước cần tham khảo cách thức các nền kinh tế tiên tiến đã cùng hạ giá đồng USD vào giai đoạn 1985–1987 để có thể phối hợp nhằm giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng FED là cơ quan đóng vai trò chính trong thúc đẩy tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, FED cần xem xét nghiêm túc tác động của các chu kỳ tăng lãi suất tại Mỹ đối với các nước còn lại. Giới phân tích nhận định FED đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" giữa kiểm soát lạm phát và duy trì đà tăng trưởng, cho thấy những thách thức mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Theo AFP, Bloomberg, CNN)
Giới chức FED để ngỏ khả năng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát
Giới chức FED để ngỏ khả năng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát

Giới chức Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 26/9 đã để ngỏ khả năng sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất lên mức đủ để hạ tỷ lệ lạm phát hiện đang ở mức cao bất thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN