Theo phóng viên TTXVN tại London, với quyết định này, lãi suất chuẩn của BoE lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, mức tăng của BoE được đánh giá vẫn "nhẹ tay" hơn so với động thái mới đây của ngân hàng trung ương một số nước châu Âu và Mỹ.
Tại châu Á, Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) cùng ngày đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, lên 3,5%, mức cao nhất trong vòng 14 năm qua.
Trong bối cảnh Mỹ cùng nhiều nước đang đối mặt với lạm phát tăng cao, chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong dự báo giá cả tại đây tăng ở mức vừa phải là 2,1% trong năm nay. Quý II vừa qua đánh dấu lần thứ 2 trong vòng 3 năm qua Hong Kong rơi vào suy thoái, chủ yếu do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt gây đình trệ các hoạt động kinh tế. Chính quyền Hong Kong cảnh báo nhiều khả năng tình trạng kinh tế suy thoái sẽ kéo dài ít nhất là hết năm nay.
Trong khi một loạt nước tăng lãi suất sau quyết định của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần thứ 5 với mức tăng 0,75 điểm %, Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới, đến nay vẫn chưa có động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ. Trong lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 20/9 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tức ngân hàng trung ương Trung Quốc, đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất, vốn vừa được điều chỉnh giảm trong tháng 8. Điều này không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách cân bằng giữa mục tiêu duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích kinh tế và nỗ lực ngăn đồng Nhân dân tệ mất giá thêm nữa.