Tăng lãi suất, FED đẩy cái khó trong chống lạm phát cho Tổng thống Biden

Nếu tính toán của FED sai lầm, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải xử lý những rắc rối phát sinh với nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Washington, D.C., ngày 28/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) đã lường trước cái giá của tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát: một vài năm tăng trưởng chậm và thêm một triệu người mất việc làm.

Nếu đó là tất cả những gì cần thiết để kéo giảm giá cả đang tăng vọt thì đó là một cái giá có thể chịu được. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu Chủ tịch FED Jerome Powell sai, vấn đề của FED sẽ trở thành vấn đề của Tổng thống Biden.

Ngày 21/9, FED đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và cho biết lãi suất có thể tăng cao hơn dự báo. FED cho rằng lãi suất chuẩn có thể lên tới 4,6% vào năm 2023, trong khi các nhà đầu tư cho rằng mức cao nhất chỉ khoảng 4,4%. Tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 4,4%, tức là tăng 1,3 triệu người thất nghiệp.

Hiện tại, FED cho rằng họ có thể quản lý tình hình này mà không gây ra “hạ cánh cứng”. Mặc dù tăng trưởng GDP có thể giảm xuống 0,2% trong quý này và giảm xuống 1,2% tính cả năm kể từ bây giờ (mức thấp hơn nhiều so với 2% mà FED dự báo), nhưng FED tin mọi thứ sẽ trở lại đúng hướng vào cuối năm 2024.

Dựa trên các chu kỳ lãi suất trước đó, có thể thấy FED đang tỏ ra lạc quan hoặc đang cố gắng “nói giảm nói tránh”. Mặc dù vậy, ông Powell đã đúng khi nói rằng lạm phát còn tồi tệ hơn cả giảm tăng trưởng.

Thất nghiệp khiến cho hàng triệu người gặp khó khăn, nhưng giá cả tăng cao làm tổn hại gần như tất cả mọi người.

Theo Phòng Thương mại Mỹ, khoảng một nửa số doanh nghiệp nhỏ nói rằng lạm phát là thách thức lớn nhất. Theo một cuộc khảo sát của Pew vào tháng 5, người dân cũng đồng tình với điều này.

Hơn nữa, rủi ro suy thoái kinh tế gây ra thiệt hại lâu dài là thấp. Các ngân hàng đang báo cáo rằng khách hàng vẫn còn nhiều tiền trong ngân hàng hơn so với trước khi COVID-19 xảy ra và tình trạng trả nợ trễ hạn đang tăng lên, nhưng chỉ tăng từ từ.

Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon đã nói rằng ngành tài chính có thể dễ dàng xử lý một cuộc “hạ cánh cứng”.

Trước đó, ông Powell đã nhận định là không có cách nào để thiết lập lại nền kinh tế mà không bị ảnh hưởng.

Nếu hậu quả lớn hơn ông Powell dự báo, FED sẽ chuyển “việc khó” cho Tổng thống Biden và Quốc hội. Chính quyền của ông Biden sẽ phải dành hai năm tiếp theo để đối phó với tình trạng thất nghiệp gia tăng và kinh tế khó khăn.

Chú thích ảnh
Tổng thống Biden. Ảnh: Reuters

Trước đó, giải thích cho quyết định tăng lãi suất, FED cho biết cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - đã kết luận rằng không thể mạo hiểm để lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp.

Ngoài ra, FED cũng hạ thấp đáng kể các dự báo về tăng trưởng kinh tế, theo đó, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 1,7% trong năm 2022, giảm 0,2% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 6 vừa qua. Lạm phát vào cuối năm cũng sẽ vẫn ở mức cao (5,4%), trước khi giảm xuống gần mức bình thường vào năm tới.

Động thái của FED được đưa ra sau 2 ngày họp, bất chấp ngày càng có nhiều quan ngại về việc ngân hàng trung ương đang khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc quá nhanh và giới doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình sẽ sớm cảm nhận được những tác động tiêu cực từ quyết định này.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của Mỹ trong năm nay, đồng thời cũng là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất với mức 0,75 điểm phần trăm, biện pháp đã không được dùng đến trong nhiều thập kỷ.

Lạm phát của Mỹ hiện gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm qua, giá tiêu dùng trong tháng 8/2022 đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,1% so với tháng trước. Chủ tịch FED  Powell tuyên bố giới chức nước này sẽ tiếp tục hành động dứt khoát để “hạ nhiệt” nền kinh tế, đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% hàng năm.

Các nhà phân tích đã cảnh báo nguy cơ suy thoái. Chuyên gia Kathy Bostjancic thuộc Oxford Economics cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục là yếu tố chi phối chính sách tiền tệ, bất chấp rủi ro suy thoái gia tăng vào năm 2023.

Cụ thể, tình trạng lạm phát cao vẫn sẽ còn kéo dài, buộc FED tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ, biện pháp này kết hợp với tác động lan tỏa tiêu cực từ tình trạng suy yếu của nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái nhẹ trong Quý 1/2023.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhiều nước đồng loạt điều chỉnh lãi suất sau động thái của FED
Nhiều nước đồng loạt điều chỉnh lãi suất sau động thái của FED

Sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm phần trăm để kiềm chế lạm phát, nhiều quốc gia khác cũng đưa ra động thái tương tự. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN