Theo Yahoo Finance, một phân tích mới của Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (CRFB) dự báo rằng chỉ riêng động thái tăng lãi suất trong tuần này sẽ làm cho Chính phủ Mỹ thâm hụt thêm 2,1 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
Đó là chưa tính tới một loạt đợt tăng lãi suất đã diễn ra trong năm nay và sẽ làm thâm hụt thêm hàng nghìn tỷ USD trong những năm tới. Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vừa rồi, FED cho biết họ có thể tăng lãi suất thêm nữa trong những tháng tới.
Chắc chắn tác động của thâm hụt không phải là mối quan tâm cấp bách nhất đối với các nhà hoạch định chính sách vốn đang tập trung vào chống lạm phát. Tuy nhiên, đó là một yếu tố quan trọng có khả năng gây khó khăn cho FED và các nhà hoạch định chính sách tài khóa khi họ cố gắng tìm cách “hạ cánh mềm”, tức là kéo giảm tỷ lệ lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Bà Maya MacGuineas, Chủ tịch CRFB, nói với Yahoo Finance vào đầu tuần này: “Chính sách tài khóa vô trách nhiệm trong những năm gần đây đã khiến công việc của FED trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần. Thách thức này khiến nguy cơ suy thoái thậm chí có nhiều khả năng xảy ra hơn”.
Nợ quốc gia của Mỹ lên tới gần 31.000 tỷ USD. Trong khi đó, Mỹ thâm hụt ngân sách hàng năm 1.000 tỷ USD. Đây là số tiền Mỹ phải vay mỗi năm để trang trải các chi phí. Dự báo tiền trả lãi cho bản thân khoản nợ này sẽ là phần tăng nhiều nhất trong ngân sách liên bang trong những năm tới.
Nói về những thách thức của FED trong kiềm chế lạm phát mà không làm tăng nợ thêm nữa, bà MacGuineas cho biết: “Như thể FED đang đi trên hai sợ dây thừng một lúc vậy”.
Một loạt nhà kinh tế khác đã bình luận về cơ hội “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ trước quyết định mới nhất của FED. Nhà kinh tế quốc tế cấp cao của công ty Vanguard, ông Andrew Patterson nhận định rằng khó có thể tránh khỏi cuộc suy thoái do FED gây ra vào năm 2023 nhưng cuộc suy thoái này có thể sẽ nhẹ nhàng hơn một chút.
Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư Shawn Snyder của công ty Citi US Wealth Management nói thêm rằng nếu nền kinh tế Mỹ trải qua những dấu hiệu suy thoái trong những tháng tới, FED có thể rơi vào tình thế khó khăn hơn.
Tỷ lệ quỹ liên bang và nợ quốc gia
Quay trở lại đầu những năm 1980, Chủ tịch FED khi đó là Paul Volcker đã dẫn đầu cuộc chiến chống lạm phát. Mặc dù lãi suất chuẩn của FED đã tăng vọt vào thời điểm đó, nhưng ông Volcker có lợi thế hơn vì nợ chính phủ khi đó chỉ chiếm khoảng 30% GDP. Ngày nay, tổng số nợ đã tăng lên khoảng 120% GDP.
Ngày 21/9, FED thông báo ngân hàng này quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, lên biên độ 3% - 3,25% để nỗ lực giảm lạm phát xuống từ mức hiện tại là 8,3%. Động thái này đánh dấu lần tăng lãi suất 75 điểm cơ bản thứ ba liên tiếp kể từ tháng 6 và đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.
Hồi tháng 6, CRFB đã phân tích các động thái tăng lãi suất cho đến thời điểm đó và dự báo rằng chi phí lãi vay hàng năm sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2032, tăng từ gần 400 tỷ USD hiện nay lên 1,2 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Tổng chi phí dự kiến là 8,1 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất và chi phí lãi vay có thể còn cao hơn.
Trong những ngày tới, các nhà quan sát kinh tế sẽ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu từ FED để xem FED sẽ tăng lãi suất bao nhiêu nữa trong những tháng tới.
Hai giai đoạn vay nợ quá mức
Bà MacGuineas cho rằng tình hình nợ nói chung là do chi tiêu của các nhà lập pháp ở cả hai đảng. Bà thừa nhận tầm quan trọng của gói trị giá hàng nghìn tỷ USD để chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, bà nói thêm: “Gói đó diễn ra giữa hai giai đoạn vay nợ quá mức mà chúng ta không nên vay”.
Bà cho biết Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm năm 2017 do Tổng thống Donald Trump khi đó ký và các khoản chi tiêu gần đây từ chính quyền của ông Joe Biden đều dẫn đến mức thâm hụt kỷ lục hiện nay.
Nhóm của bà MacGuineas đã chỉ trích sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden về xóa khoản nợ cho sinh viên. Động thái này sẽ khiến thâm hụt của Mỹ tăng thêm khoảng 500 tỷ USD.