Các cuộc giao tranh đẫm máu tại Syria vẫn tiếp tục diễn ra ngày 13/2 khiến số người thiệt mạng ngày càng tăng cao trong bối cảnh ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria đang nỗ lực cho các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva sụp đổ.Theo Tổ chức quan sát nhân quyền Syria (SOHR), ít nhất 51 người đã bị thiệt mạng chỉ tính riêng ngày 13/2 tại Aleppo sau khi máy bay chiến đấu của quân chính phủ tấn công vào các khu vực do phiến quân kiểm soát. Trong khi đó, ở khu vực phía nam nước này, hàng chục người khác cũng bị thiệt mạng.
Lực lượng của Tổng thống Syria Assad. Ảnh: Farsnews |
Báo cáo của SOHR cho biết, trung bình khoảng 236 người chết/ngày kể từ khi cuộc đàm phán tại Geneva chính thức bắt đầu vào cuối tháng 1/2014, vốn đưa đại diện của hai bên ngồi vào bàn đàm phán nhưng không có kết quả cụ thể.
Trong khi đó, ở Thụy Sĩ, phe Liên minh quốc gia đối lập đã đưa ra một kế hoạch chuyển tiếp , bao gồm cả trục xuất các tay súng nước ngoài ra khỏi Syria và một quá trình tiến tới các cuộc bầu cử, theo hãng thông tấn Pháp AFP.
Tuy nhiên, đại diện phía chính phủ Syria đã từ chối thảo luận về kế hoạch này và cho rằng mục tiêu đầu tiên của các cuộc đàm phán là một cuộc chiến chống lại các phần tử “khủng bố” nổi dậy.
Cùng ngày, Nga cho biết dự thảo nghị quyết về vấn đề viện trợ cho người dân Syria mà nước này đề xuất lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ không bao gồm các đe dọa áp đặt biện pháp trừng phạt lên chế độ Damascus.
Theo ông Lavrov, bản dự thảo về viện trợ nhân đạo trước đó do Phương Tây và các nước Arập ủng hộ "được soạn thảo dưới dạng tối hậu thư do có các đe dọa trừng phạt".
Ông Lavrov nói: "Sự khác biệt giữa dự thảo nghị quyết của họ và dự thảo của chúng tôi nằm ở chỗ họ diễn giải tình hình một cách có lựa chọn. Họ đổ tất cả lỗi cho chính quyền Damascus mà không thực sự chú trọng đến những vấn đề nhân đạo do các hành động của lực lượng nổi dậy đang tạo ra".
CT (Aljazeera)