Các nhân chứng cho biết tình hình tại Khartoum hiện yên ổn, đồng thời bày tỏ mong muốn các bên đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn.
Vài giờ trước khi lệnh ngừng bắn bắt đầu, các nhân chứng báo cáo nhiều cuộc giao tranh và không kích xảy ra tại một số khu vực của 2 thành phố Khartoum và Omdurman.
Lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ chính thức áp dụng từ ngày 18/6 tại Sudan, sau hơn 2 tháng xung đột giữa quân đội và Các Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) đối địch. Hai bên sẽ cho phép phân phối hàng viện trợ. Các lệnh ngừng bắn trước đó do Saudi Arabia và Mỹ làm trung gian đã giúp đụng độ giảm và cho phép vận chuyển một số hàng cứu trợ nhân đạo. Tuy nhiên, cả 2 bên đối địch liên tiếp vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Bộ trưởng Y tế Sudan Haitham Ibrahim cho biết từ khi xung đột nổ ra hồi giữa tháng 4, trên 3.000 người đã thiệt mạng và 6.000 người bị thương. Chỉ 50% trong số 130 bệnh viện ở Khartoum hiện còn hoạt động, trong khi các bệnh viện ở bang West Dafur đã ngừng hoạt động hoàn toàn.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), khoảng 2,2 triệu người Sudan đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trên phạm vi toàn quốc, trên 1 triệu người phải chạy trốn khỏi Khartoum, trong đó 528.000 người phải sơ tán tại các quốc gia láng giềng.
Liên hợp quốc (LHQ) cho biết hơn 50% trong tổng số 49 triệu dân tại Sudan hiện cần hỗ trợ nhân đạo, theo đó cần khoảng 3 tỷ USD tài trợ từ nay đến cuối năm. LHQ vừa kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp gần 500 triệu USD để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn do cuộc xung đột trên gây ra. Theo kế hoạch, các nước Đức, Qatar, Saudi Arabia, Ai Cập cùng với LHQ sẽ chủ trì một hội nghị tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm kêu gọi tài trợ cho Sudan.
Cùng ngày 18/6, tại cuộc gặp với Phó Chủ tịch Hồi động Chủ quyền Chuyển tiếp Sudan (TSC) Malik Agar đang ở thăm Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã nhắc lại sự ủng hộ hoàn toàn của Ai Cập đối với sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Sudan, đồng thời khẳng định Cairo đang nỗ lực hết sức nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn, ngăn chặn giao tranh và thúc đẩy tiến trình hòa bình ở quốc gia Đông Phi.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong cuộc gặp với ông Agar và phái đoàn Sudan, với sự tham dự của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Ai Cập Abbas Kamel, Tổng thống El-Sisi cam kết Ai Cập sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Sudan vào những thời điểm khó khăn hiện nay, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn lâu dài và xúc tiến đối thoại hòa bình toàn diện nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân Sudan về an ninh, ổn định và phát triển. Nhà lãnh đạo Ai Cập nêu rõ những ưu tiên này phải là trọng tâm trong các nỗ lực thực hiện của tất cả các bên.
Về phần mình, ông Agar thông báo với Tổng thống El-Sisi về những diễn biến mới nhất ở Sudan, đồng thời ca ngợi những nỗ lực không ngừng của Ai Cập nhằm duy trì hòa bình và an ninh ở Sudan trong những điều kiện khó khăn hiện nay, trong đó có việc tiếp nhận nhiều công dân Sudan. Ông Agar cũng đánh giá cao vai trò và ảnh hưởng của Ai Cập trong khu vực và trên khắp lục địa châu Phi. Ông Agar cũng thảo luận với ông El-Sisi về các cách thức cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Sudan.
Hôm 17/6 vừa qua, người phát ngôn của Các Lực lượng Vũ trang Ai Cập, Gharib Abdel-Hafez Gharib cho biết một tàu tiếp tế thuộc lực lượng hải quân nước này đã chuyển hàng trăm tấn hàng viện trợ tới Sudan, bao gồm thực phẩm và vật tư y tế. Ông Gharib cũng cho biết chuyến tàu tiếp tế cũng chở một số công dân Ai Cập và Sudan trên đường trở về nhà.
Kể từ khi xung đột tại Sudan bùng phát ngày 15/4 vừa qua, Ai Cập đã tiếp nhận trên 200.000 công dân Sudan di tản nhằm trốn tránh bạo lực. Ai Cập cũng đã chuyển hàng chục tấn vật tư y tế tới thành phố Port Sudan và tạo điều kiện vận chuyển thêm hàng chục tấn hàng viện trợ nhân đạo quốc tế tới quốc gia Đông Phi này.