Sudan phá giá đồng nội tệ để đối phó với khủng hoảng kinh tế

Ngày 22/7, Chính phủ Sudan cho biết sẽ phá giá đồng nội tệ để đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách ở mức cao và khủng hoảng kinh tế trầm trọng do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Đồng USD (trên) và đồng bảng Sudan (dưới). Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong một tuyên bố do Chính phủ Sudan đưa ra, quyền Bộ trưởng Tài chính nước này, Hiba Mohammed cho biết nguồn thu của nhà nước đã giảm 40%, khiến ngân sách phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt rất lớn. Do vậy, Chính phủ Sudan buộc phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp và thay đổi tỷ giá chính thức của đồng bảng Sudan.

Hiện tại, tỷ giá chính thức của đồng bảng Sudan là 55 bảng/1 USD, so với 140 bảng/1 USD trên thị trường chợ đen.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok cho biết chính phủ sẽ cắt giảm dần trợ giá xăng dầu, song vẫn duy trì trợ giá thuốc chữa bệnh, điện, bánh mì và khí đốt dùng trong nấu ăn. 

Kể từ khi thành lập hồi năm ngoái, Chính phủ chuyển tiếp ở Sudan phải chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Tháng 6 vừa qua, lạm phát đã tăng đến 136% và hàng chục nghìn người Sudan đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Khartoum và các thành phố khác để kêu gọi chính phủ khẩn trương cải cách kinh tế.

Dịch COVID-19 khiến khủng hoảng kinh tế ở quốc gia Đông Phi này trở nên tồi tệ hơn. Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã cản trở người dân tiếp cận thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ cơ bản. Hơn 9,6 triệu người - gần 1/4 dân số đất nước - đang phải đối mặt với nạn đói.

Ngày 19/7 vừa qua, Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp 283 triệu USD để giúp Sudan đối phó với dịch COVID-19 và hậu quả của dịch bệnh đối với kinh tế nước này. Đến nay, Sudan đã ghi nhận trên 11.000 ca mắc COVID-19 trong đó có 706 ca tử vong.

Lê Quang Trường (TTXVN)
Gần 1/4 dân số Sudan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đói
Gần 1/4 dân số Sudan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đói

Gần 1/4 dân số Sudan, tương đương 9,6 triệu người, đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi các phân tích về an ninh lương thực được thực hiện tại nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN