Cuối năm 2017, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt với Sudan từ năm 1997, nhưng vẫn giữ nước này trong danh sách “tài trợ khủng bố”. Giới chức cấp cao Sudan - bao gồm cả những người thuộc chính quyền của Tổng thống bị phế truất Omar al-Bashir - đều cho rằng việc tiếp tục bị coi là nước tài trợ cho khủng bố đã cản trở Khartoum thu hút đầu tư nước ngoài, kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề chuyến thăm Khartoum của Ngoại trưởng Đức Heiko Mass, Thủ tướng Hamdok khẳng định tình hình hiện nay là phù hợp để đưa Sudan ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố. Sudan đã đàm phán với Mỹ về vấn đề này và hy vọng sẽ có những tiến triển thời gian tới.
Ông Hamdok đã được các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Sudan lựa chọn vào vị trí Thủ tướng để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp. Điều này đã nhận được sự hoan nghênh của Mỹ trong một tuyên bố 3 bên, cùng với Vương quốc Anh và Na Uy. Thủ tướng Hamdok nhấn mạnh sự hồi sinh kinh tế trong dài hạn của Sudan phụ thuộc vào xây dựng môi trường phù hợp cho lĩnh vực sản xuất, đồng thời nêu rõ điều này phụ thuộc lớn vào việc Mỹ đưa Sudan ra khỏi “danh sách đen”.
Ngoại trưởng Đức khẳng định sự hội nhập của Sudan vào kinh tế thế giới là cần thiết và bày tỏ tin tưởng cộng đồng quốc tế sẽ có những hỗ trợ phù hợp cho Sudan trong giai đoạn quan trọng này. Việc đưa Khartoum ra khỏi “danh sách đen” của Mỹ sẽ phụ thuộc phần lớn vào phát triển và cải cách của Sudan trong thời gian tới.
Sudan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Năm 2018, nước này xếp ở vị trí 167/189 về chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc.