Các quan chức Mỹ không giấu được vẻ hài lòng khi tuyên bố rằng Washington sẽ đáp ứng yêu cầu của chính phủ Nigeria trong việc giúp tìm kiếm và giải cứu gần 300 nữ sinh bị nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram bắt cóc.
Trong nhiều năm, chính phủ của Tổng thống Goodluck Jonathan tại Nigeria là một trong số ít những chính phủ châu Phi chống lại việc xây dựng một mạng lưới lớn các liên minh, căn cứ và tiền đồn quân sự của Mỹ. Từ năm 2008, Washington đã chi hàng tỷ USD để trang bị và triển khai khắp châu Phi các đơn vị đặc nhiệm, các nhóm tình báo, cơ sở cho các máy bay không người lái và một loạt cơ sở hỗ trợ.
Boko Haram ngày 12/5 công bố đoạn băng video ghi hình ảnh các nữ sinh bị nhóm này bắt cóc hôm 14/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các quan chức quân sự Mỹ khẳng định họ chỉ có sự hiện diện "rất nhỏ" tại châu Phi. Chính xác hơn thì Mỹ có "vài chục" sự hiện diện quân sự nhỏ tại châu Phi, vươn xa hơn căn cứ thường trực duy nhất của Mỹ tại châu Phi là trại Lemonnier ở Djibouti. Mỹ bắt đầu thuê căn cứ này vào năm 2001 làm trung tâm cho các hoạt động tại Trung Đông. Nhưng từ năm 2008, căn cứ rộng 200 ha này đã trở thành trung tâm cho những máy bay không người lái được trang bị tên lửa để triệt hạ những đối tượng Hồi giáo vũ trang tại Somalia và Yemen.
Xét từ một định nghĩa hẹp, trại Lemonnier có thể là căn cứ quân sự thường trực duy nhất của Mỹ tại châu Phi, nhưng các tài liệu được Lầu Năm Góc công bố cho thấy quân đội Mỹ có sự hiện diện tại 49/54 quốc gia của lục địa Đen. Quan trọng nhất trong các hoạt động này là những cơ sở mà Mỹ đang phát triển tại nhiều sân bay ở châu Phi, cho phép Lầu Năm Góc triển khai máy bay do thám không vũ trang, máy bay ném bom có người lái, máy bay không người lái được trang bị tên lửa và các đơn vị đặc nhiệm nhỏ. Những cơ sở đáng chú ý nhất thuộc loại này có mặt tại Niamey (Niger), Entebbe tại Uganda và Ouagadougou tại Burkina Faso. Tài liệu của Mỹ cho thấy, Lầu Năm Góc đang có những thỏa thuận về quyền hạ cánh quân sự và các kho nhiên liệu và các nguồn cung cấp khác tại 26 sân bay quốc tế nữa tại châu Phi.
Mục đích chính của những hoạt động này là truy tìm và tiêu diệt các chiến binh Hồi giáo, hầu hết có liên quan đến al-Qaeda. Mục tiêu thứ hai trong danh sách là niềm tin của chính quyền Obama rằng việc xây dựng các mối quan hệ quân sự với các nhà lãnh đạo châu Phi có thể giúp kiềm chế Trung Quốc. Mục tiêu thứ ba là hỗ trợ cho một chiến dịch đa quốc gia chống cướp biển, đã chuyển từ các vùng biển ngoài khơi khu vực Sừng châu Phi, sang Vịnh Guinea, ngoài khơi Tây Phi.
Những mục tiêu hàng đầu của Bộ chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ (AFRICOM) là các nhóm dân quân Hồi giáo như al-Shabaab tại Somalia và al-Qaeda trong khu vực Maghreb Hồi giáo (AQIM) tại Tây Phi. Nhưng các nỗ lực của AFRICOM nhằm truy lùng Boko Haram, có căn cứ tại đông bắc Nigeria gặp khó khăn khi chính phủ Abuja không muốn cho Mỹ quyền tiếp cận bí mật giống nhiều nước châu Phi khác.
Boko Haram, có nghĩa rằng "Giáo dục phương Tây là tội lỗi" trong tiếng Hausa, được thành lập năm 2002 tại bang Borno nghèo nhất của Nigeria. Phong trào này bắt đầu bằng việc ủng hộ một chính quyền Hồi giáo tại Nigeria. Boko Haram trở nên hung hãn và bạo lực hơn sau khi kẻ thành lập tổ chức này là Mohammad Yusuf bị giết trong trại giam của cảnh sát năm 2009. Sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố của Boko Haram, hiện do Abubakar Shekau đứng đầu, đã trở thành một vấn đề quốc tế khi nhóm này bắt cóc gần 300 nữ sinh tại một trường ở Chibok, gần biên giới của Nigeria với Cameroon và Chad.
Sự bất lực rõ ràng của các lực lượng an ninh Nigeria và việc họ không tìm thấy những kẻ khủng bố cùng các nữ sinh bị bắt cóc, chứ không nói gì đến việc cứu được các em này, đã khiến Tổng thống Jonathan không còn lựa chọn nào khác ngoài việc yêu cầu sự giúp đỡ của quốc tế. Cùng với Washington, các chính phủ Canada, Anh và Pháp đều đề nghị nhiều hình thức hỗ trợ giám sát và quân sự. Chắc chắc là Mỹ mong muốn sự mở cửa của Nigeria nhất, nhưng Lầu Năm Góc sẽ do dự trước việc gắn bó quá chặt chẽ với quân đội Nigeria vốn tai tiếng về những vi phạm nhân quyền.
Dương Hoa (Theo mạng tin "ipolitics.ca")