Châu Phi trong chính sách đối ngoại Trung Quốc

Trong suốt thập niên qua, việc Trung Quốc liên tục tăng cường sự hiện diện tại châu Phi đã trở thành chủ đề thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới cũng như các chuyên gia kinh tế và chính sách.

 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn (phải) họp báo tại Addis Ababa ngày 4/5. Ethiopia là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Phi của Thủ tướng Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi các vấn đề kinh tế đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi thì có thể nói, châu lục này vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong toàn thể chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đang dần trở thành một cường quốc về kinh tế cũng như quyền lực của thế giới, Trung Quốc chỉ đơn giản coi châu Phi như một nguồn cung cấp nguyên liệu thô mà bỏ qua những khía cạnh quan trọng khác. Ngay cả khi các mục tiêu và chính sách của Trung Quốc đang ngày càng được đa dạng hóa, thì bộ máy hoạch định các chính sách chính trị, kinh tế và an ninh của nước này vẫn chưa thật sự chú trọng đến châu Phi.


Trong mối quan hệ với châu Phi, Trung Quốc tập trung vào bốn lợi ích chính. Về chính trị, Bắc Kinh tìm kiếm sự ủng hộ từ châu Phi đối với khái niệm “một Trung Quốc” cũng như sự ủng hộ từ các quốc gia lục địa Đen đối với Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc. Về kinh tế, châu Phi là một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đồng thời là một thị trường với nhiều cơ hội, qua đó có thể thúc đẩy được sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Về an ninh, sự gia tăng các lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi cũng tạo ra cho nước này nhiều thách thức về an ninh, như an toàn của các nhà đầu tư và cơ sở của Trung Quốc sẽ bị đe dọa do sự bất ổn chính trị và các hoạt động tội phạm tại châu Phi.


Trên thực tế, thương mại hai chiều giữa châu Phi và Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong bức tranh chung về thương mại giữa Trung Quốc với toàn thế giới, và vốn đầu tư và thương mại của Trung Quốc tại châu Phi chỉ chiếm từ 3-5% tổng kim ngạch đầu tư - thương mại toàn cầu của Trung Quốc. Về chính trị, châu Phi là một phần rất nhỏ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Thay vì coi châu Phi là “chìa khóa” hay “ưu tiên”, thì đối với Trung Quốc, châu lục này thật ra chỉ là một phần trong nền tảng các tham vọng chiến lược của Trung Quốc. Nếu so sánh với sự “cạnh tranh” với những cường quốc hay mối quan căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, thì mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi lại tương đối bằng phẳng và không chịu tác động nào lớn.


Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong cộng đồng hoạch định chính sách tại Trung Quốc đã cho rằng nước này không có những chiến lược bài bản tại châu Phi, và rằng kinh tế đang lấn át những lợi ích quốc gia khác. Những nhận định này cho rằng đôi khi những lợi ích kinh tế đã gây tác động xấu đến mối quan hệ giữa Trung Quốc với châu Phi, cũng như làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trong lòng cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, sự gia tăng mạnh mẽ của các nhân tố kinh tế Trung Quốc tại châu Phi trong những năm qua đã tạo ra những thách thức cho chính phủ nước này trong việc giám sát và quản lý.


Ngoài sự thiếu khả năng trong việc quản lý những hoạt động thương mại của Trung Quốc tại châu Phi, chính quyền Bắc Kinh còn không có kinh nghiệm đánh giá những rủi ro về chính trị cũng như sự thiếu vắng một chiến lược kinh tế toàn diện tại châu Phi. Để giải quyết những vấn đề này, cần trông đợi vào những chính sách trong tương lai của Trung Quốc đối với việc tăng cường ảnh hưởng lên sự phát triển của lục địa Đen.


Phạm Phú Phúc (Theo Viện nghiên cứu Brookings)

Thủ tướng Trung Quốc lần đầu tới châu Phi
Thủ tướng Trung Quốc lần đầu tới châu Phi

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có mặt ở Ethiopia, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du bốn nước châu Phi kéo dài tới ngày 11/5. Đây là lần đầu ông tới châu Phi kể từ khi nhậm chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN