Tròn 5 năm trước, khi Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố chọn ngày 21/6 hằng năm là "Ngày Quốc tế Yoga", bộ môn luyện tập thể chất, tinh thần và tâm linh, ra đời cách đây 5.000 năm ở Ấn Độ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khi đó Ban Ki-moon đã nói rằng: "Yoga có thể giúp chống lại những căn bệnh không truyền nhiễm, gắn kết cộng đồng với sự tôn trọng lẫn nhau. Đây là bộ môn đóng góp cho phát triển và hòa bình. Yoga có thể giúp con người trong những tình huống khẩn cấp tìm thấy sự bình an".
Năm 2020, khi cả thế giới đang trải qua đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chưa có hồi kết, Yoga đang được nhắc tới như một biện pháp không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn trở thành liều thuốc tinh thần giúp con người duy trì trạng thái cân bằng, lạc quan trong thời kỳ khủng hoảng. Chủ đề của Ngày Quốc tế Yoga năm nay "Yoga from home", với nhiều hoạt động trình diễn Yoga được tổ chức trực tuyến, cũng nhằm kết nối những giá trị của sự bình an mà bộ môn này mang lại trong thời kỳ đại dịch.
Yoga từ lâu đã được biết đến bởi lợi ích sức khỏe toàn diện, dù đây không phải là phương thuốc ngăn chặn hay điều trị những căn bệnh như COVID-19. Hồi tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Khoa Dược Đại học Virginia (Mỹ) đã công bố nghiên cứu nhấn mạnh tập thể dục đều đặn có thể giúp giảm thiểu nguy cơ từ hội chứng suy giảm hô hấp, vốn là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong ở những bệnh nhân mắc COVID-19. Và trong vô vàn hình thức tập luyện đa dạng hiện nay, nhiều người đã tìm đến Yoga trong những ngày giãn cách xã hội bởi họ tin rằng kỹ thuật hít thở đúng sẽ giúp phổi trở nên khỏe hơn, ngoài ra chỉ cần một chiếc thảm là có thể thực hành bộ môn này ở bất cứ đâu trong nhà. Tuy nhiên, đó dường như không phải là yếu tố chính khiến con người tìm tới với Yoga trong mùa dịch.
Các chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng cách ly xã hội kéo dài do dịch COVID-19 có nguy cơ gây ra những sang chấn tâm lý nghiêm trọng đối với những người có thói quen thường xuyên vận động hoặc những vận động viên chuyên nghiệp. Giới chuyên môn coi thách thức về sức khỏe tinh thần này là "nỗi lo vô hình" có thể ảnh hưởng lâu dài tới các vận động viên.
Để vượt qua nỗi sợ vô hình đó, nhà vô địch bơi lội Olympic người Australia Kyle Chalmers đã tìm đến nhiều hình thức tập luyện tại nhà, trong đó có Yoga, để duy trì sức khỏe cả thể chất và tinh thần. Không riêng vận động viên bơi lội 21 tuổi này mà cả các cầu thủ bóng đá của CLB danh tiếng Liverpool (Anh) cũng được huấn luyện viên bổ sung Yoga vào danh sách các bài tập duy trì thể lực qua hình thức trực tuyến.
Đó là đối với những vận động viên chuyên nghiệp, còn những người bình thường thì sao? “Hít vào và căng giãn: Người lao động Ấn Độ lạc quan nhờ Yoga trong bối cảnh phong tỏa toàn quốc”. Một phóng sự của hãng Reuters đã mô tả cuộc sống của hàng trăm lao động di cư tại một khu tổ hợp thể thao ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ những ngày phong tỏa toàn quốc. Tại đây, họ cùng nhau thực hành Yoga và thiền mỗi ngày ở ngoài trời. Anh Pankaj, lao động nhập cư đến từ bang Bihar ở miền Đông Ấn Độ, chia sẻ rằng nhờ có Yoga mà những ngày sống tại đây trôi qua ý nghĩa hơn, và tất cả mọi người đều cảm thấy cơ thể linh hoạt, nhờ đó mà suy nghĩ cũng trở nên tích cực hơn dù ai cũng đang có những mối lo của riêng mình khi đứng trước cảnh thất nghiệp và vô gia cư.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã chia sẻ kênh Youtube có tên gọi “Yoga cùng Modi” tới các cơ quan ngoại giao tại nước này, trong đó phiên bản hoạt hình của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hướng dẫn mọi người thực hành Yoga để tăng cường sức khỏe và đẩy lùi căng thẳng trong suốt mùa dịch.
Trong bối cảnh Ấn Độ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19, với số ca nhiễm tính đến ngày 21/6 là gần 413.000 người (cao thứ tư thế giới), cùng với các giải pháp phòng chống quyết liệt khác, Thủ tướng Narendra Modi cũng tiếp tục khuyến khích người dân thực hành Yoga bởi ông coi đây là "người bạn đáng tin cậy" giúp con người đối phó với virus SARS-CoV-2.
Từ góc độ toàn cầu, không phải ngẫu nhiên LHQ quyết định chọn ngày 21/6 hằng năm là Ngày Quốc tế Yoga. Trong suốt 2 thế kỷ qua, số lượng người tập bộ môn có tuổi đời 5.000 năm này ngày một tăng trên toàn thế giới, và theo Liên đoàn Yoga quốc tế, hiện có khoảng 300 triệu người đang tập luyện bộ môn Yoga, và con số này được trang Business Standard dự đoán sẽ tăng thêm 55 triệu vào năm 2020.
Cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng từng đề cập mức độ ảnh hưởng của Yoga đối với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, trong đó nhấn mạnh thực hành Yoga có thể giúp con người tăng nhận thức về vai trò của mình với tư cách những khách hàng tiêu thụ nguồn tài nguyên từ hành tinh này, và với tư cách những cá nhân có nghĩa vụ tôn trọng và chung sống hòa thuận với bạn bè láng giềng.
Đó là lý do Đại hội đồng LHQ ngay lập tức ủng hộ đề xuất của Ấn Độ đưa ra năm 2014, chọn 21/6 là Ngày Quốc tế Yoga và từ năm 2015, ngày này được tổ chức rộng khắp trên thế giới. Trong Ngày Quốc tế Yoga đầu tiên năm 2015, lễ kỷ niệm đã được tổ chức tại 251 thành phố thuộc 191 quốc gia... Riêng ở thủ đô New Dehli, hơn 45.000 người đồng diễn Yoga. Cùng lúc ấy ở London (Anh), Quảng trường Thời Đại (New York, Mỹ) hay bảo tàng nghệ thuật Sydney (Australia), hàng nghìn người cùng tập môn này.
Năm nay, dù thực hành Yoga được tổ chức trực tuyến theo hình thức Yoga from home (tạm dịch: Yoga tại nhà) do dịch COVID-19, song hàng triệu người say mê Yoga khắp thế giới vẫn có những hình thức phù hợp để vinh danh bộ môn này.
Tại Việt Nam, sự kiện Ngày Quốc tế Yoga lần thứ sáu tổ chức ngày 21/6 tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã thu hút sự tham gia của gần 3.000 người từ các liên đoàn, hội, câu lạc bộ Yoga trong nước và quốc tế.
Chính phủ Ấn Độ cũng vừa kêu gọi các chuyên gia tiến hành các nghiên cứu sâu rộng về vai trò của Yoga trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay. Dự án này dự kiến được hoàn thành trong vòng 6 đến 12 tháng.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, mục đích của dự án không phải là tìm kiếm một phương thức chữa trị virus corona dưới hình thức Yoga và thiền, mà tập trung vào việc chứng minh cách thức Yoga và thiền giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện chức năng hệ hô hấp và “đánh bay” sự trầm cảm lo lắng do COVID-19 gây ra.
Nếu nói rằng Yoga thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, thể hiện cách tiếp cận tổng thể tới sức khỏe và phúc lạc, thì với ý nghĩa kết nối sự bình an trong mùa dịch, Yoga có thể coi như một điểm tựa vững chắc để con người vượt qua những thách thức của cuộc khủng hoảng COVID-19.