Standard & Poor's và Fitch đồng loạt hạ tín nhiệm Anh

Hai hãng xếp hạng tín nhiệm là Standard & Poor's và Fitch ngày 27/6 đều đã hạ mức tín nhiệm của Anh, đồng thời cảnh báo các nguy cơ dẫn tới những biến động về kinh tế và chính trị sau khi đa số cử tri nước này bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua.

Cử tri Anh tới một điểm bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở Harpenden ngày 23/6. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, Standard & Poor's hạ 2 bậc tín nhiệm của “xứ sương mù” từ mức AAA xuống AA, đồng thời dự báo triển vọng kinh tế tiêu cực trong dài hạn đối với London. Tuyên bố của hãng nêu rõ quyết định Brexit là sự kiện có tác động mạnh đến sự phát triển lâu dài, khiến các chính sách của Anh ít ổn định và kém hiệu quả hơn. Brexit cũng có thể làm giảm hiệu suất kinh tế của nước này, trong đó có phân khúc các dịch vụ tài chính lớn vốn góp phần chủ yếu tạo việc làm cho người lao động.

Trong khi đó, hãng Fitch cũng hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm đối với Anh từ AA+ xuống AA kèm theo dự báo triển vọng kinh tế kém khả quan. Hãng này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh năm 2017 và 2018 xuống 0,9%, từ mức 2% trước đó.

Fitch nhận định tình hình bất ổn xuất phát từ lựa chọn Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân sẽ khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh suy giảm đột ngột trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, cả hai hãng đều đánh giá khả năng Scotland tổ chức lần hai cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh như một nguy cơ rủi ro cao đối với tương lai của nước này. Sự biến động về chính trị hậu Brexit, trong đó có quyết định từ chức của Thủ tướng David Cameron và cuộc khủng hoảng lãnh đạo của Công đảng đối lập, cùng những chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền và việc thiếu đi đường hướng rõ ràng trong mối quan hệ thương mại của Anh với EU trong tương lai là những nguyên nhân khiến nước này phải đối diện ngày càng nhiều nguy cơ bất ổn, như suy giảm lòng tin, hoạt động đầu tư, tăng trưởng GDP và các lĩnh vực tài chính công ở Anh giảm sút...

Trước đó, trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 vừa qua, 51,9% cử tri Anh đã lựa chọn ra khỏi EU, so với tỷ lệ 48,1% cử tri bỏ phiếu ở lại EU. Kết quả này được xem là một “cú sốc” mạnh đối với các thị trường châu Âu, đồng thời khiến đồng bảng Anh sụt giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong vòng 30 năm qua. Trước tình hình này, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng đã đưa ra dự báo “tiêu cực” về triển vọng kinh tế Anh, song vẫn giữ nguyên mức xếp hạng Aa1.

TTXVN/Tin Tức
Ai hưởng lợi lớn nhất từ Brexit?
Ai hưởng lợi lớn nhất từ Brexit?

Việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang gây ra rất nhiều tổn thất: thị trường tài chính London chao đảo, Thủ tướng Anh David Cameron từ chức, đồng bảng lao dốc, nền tảng hợp nhất của châu Âu bị lung lay… Tuy nhiên giữa những mất mát, có một bên được xem là sẽ hưởng lợi lớn: đó là Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN