Khi mới được thành lập, mục tiêu lớn nhất của EU là thúc đẩy dân chủ và hòa bình. Sau này với những chính sách và cách tiếp cận thực tế hơn, EU hướng tới mục tiêu hợp nhất nhằm tăng cường ảnh hưởng trong kinh tế toàn cầu.
Cờ Anh (trái) và cờ EU được treo trên một tòa nhà. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các quốc gia thành viên trong liên minh hiểu rằng, so với việc đơn phương cạnh tranh, họ sẽ có sức mạnh lớn hơn nhiều nếu hợp nhất trong một thị trường chung, tuân thủ hiến chương chung và sử dụng đồng tiền chung euro.
Lục địa già hy vọng rằng thông qua việc gắn kết các nền kinh tế cạnh tranh và giàu có thành một khối kinh tế lớn, họ sẽ có vị thế ngang bằng với Mỹ và những năm gần đây là với cả Trung Quốc.
Nhưng trên thực tế, châu Âu đã phải chật vật theo đuổi lý tưởng này. Tinh thần chủ nghĩa dân tộc cố hữu đã hạn chế khả năng hợp nhất thành một mặt trận thống nhất trên nhiều vấn đề, từ thương mại tới địa chính trị.
Chính vì thế, ngay khi châu Âu còn là một khối đoàn kết, EU đã gặp không ít khó khăn trong việc cạnh tranh với Trung Quốc, do những vấn đề liên quan đến nợ công, chi phí sản xuất cao, tệ quan liêu và, trong một số trường hợp, là sự cạnh tranh không lành mạnh.
Đơn cử, về mặt lý thuyết, trước đây EU có ưu thế rất lớn trong việc ép Trung Quốc phải mở cửa các thị trường và đảm bảo cân bằng thương mại. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên thường không tận dụng được lợi thế đó, do mải cạnh tranh với nhau trong việc thu hút đầu tư và ưu đãi từ Bắc Kinh.
Ngay sau khi Thủ tướng David Cameron tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Anh hồi năm ngoái, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lập tức xuất hiện ở Bắc Kinh để tìm kiếm các thỏa thuận riêng.
Chính sự cạnh tranh này đã tạo cho Trung Quốc cơ hội gây chia rẽ trong nội bộ châu Âu và dễ dàng chinh phục từng nước, qua đó vừa có cơ hội đưa ra các điều kiện mặc cả, vừa ngăn chặn các nước khởi kiện hành vi bóp méo thị trường của Bắc Kinh. Những cơ hội đó sẽ ngày càng tăng lên sau sự ra đi của nước Anh, nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu.
Do vậy có thể nói cú sốc Brexit đã giáng thêm một đòn chí mạng vào EU. Sự ra đi của thành viên chủ chốt Anh và tâm lý dao động của một số nước trong liên minh không chỉ làm lung lay nền tảng của châu Âu, mà còn khiến EU giảm mạnh vị thế trước Trung Quốc, một “ngôi sao” đang trỗi dậy mạnh mẽ và gây nhiều tranh cãi trên sân khấu chính trị thế giới.
Bắc Kinh sẽ không phải lo đương đầu với một khối thống nhất về thể chế chính trị, các quy định và hoạt động theo hiến chương chung.
Đối với các doanh nghiệp châu Âu, viễn cảnh cũng tương tự. Các doanh nghiệp này đáng lẽ phải được hưởng những lợi thế lớn nếu EU thực thi các chính sách chung với Trung Quốc. Nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại.
Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc đã chen chân được rất sâu vào thị trường béo bở ở châu Âu, kể cả việc gom cổ phiếu của các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng, thì bà Merkel - trong một chuyến thăm gần đây tới Bắc Kinh - mới bắt đầu đề cập đến việc các công ty châu Âu “phải được hưởng các quyền và đặc quyền tương tự như doanh nghiệp Trung Quốc”.
Kiểm đồng bảng Anh tại một điểm giao dịch ngoại hối ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nếu như nữ Thủ tướng Đức, Thủ tướng Anh và các nhà lãnh đạo khác ở châu Âu cộng tác chặt chẽ với nhau trong việc bảo vệ các quyền này từ trước, họ đã có cơ hội thành công lớn hơn và mang lại nhiều lợi thế hơn cho các doanh nghiệp của mình.
Một ví dụ khác là trong năm ngoái, khi Mỹ bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) để đối trọng với World Bank (WB), các nước thành viên châu Âu đã phớt lờ cảnh báo của Washington để đua nhau tham gia thể chế tài chính mới do Bắc Kinh thành lập.
Hành động “mạnh ai nấy làm” này đã phá hủy mọi nỗ lực của Mỹ và châu Âu trong việc kiềm chế các tham vọng rất lớn của Bắc Kinh, cũng như tự làm mất đi cơ hội có thể cùng nhau “ ép” Trung Quốc phải có những nhượng bộ cần thiết trong một số vấn đề quan trọng.
Tất nhiên trong thời gian ngắn trước mắt, nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc có thể sẽ phải chịu những tác động nhất định từ “cơn địa chấn” đang làm chao đảo EU, đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Thị trường châu Âu co hẹp, kém ổn định, người tiêu dùng gặp khó khăn tài chính và những điều chỉnh chính sách bắt buộc cả ở tầm quốc gia và khu vực…, đây sẽ không phải là tín hiệu tốt cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Tuy nhiên xét về lâu dài, Brexit dường như sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và chính trị cho Bắc Kinh, khi châu Âu không chỉ đánh mất cơ hội tham gia vào việc định hình trật tự thế giới mới đang thay đổi mạnh mẽ, mà còn bị sụt giảm vị thế tương đối trước một Trung Quốc với sức mạnh đang lên.