Ngày 13/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này Nandalal Weerasinghe kêu gọi công dân ở nước ngoài “hỗ trợ đất nước vào thời khắc khó khăn bằng cách gửi kiều hối”. Ông cho biết đã lập các tài khoản quyên góp tại các ngân hàng ở Mỹ, Anh và Đức và cam kết dùng số tiền này đúng mục đích. Ngân hàng Trung ương Sri Lanka “đảm bảo rằng số ngoại tệ này sẽ chỉ được sử dụng để mua nhu yếu phẩm như lương thực, nhiên liệu và thuốc men”.
Lời kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi chính phủ thông báo tuyên bố vỡ nợ và dự kiến, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ có các cuộc thảo luận với giới chức nước này về chương trình cho vay vào tuần tới nhằm hỗ trợ vượt qua khủng hoảng.
Với thông báo trên, Sri Lanka giữ lại 200 triệu USD tiền phải trả lãi vào ngày đáo hạn 18/4 tới và số tiền này sẽ được dùng để thanh toán cho nhu yếu phẩm nhập khẩu.
Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948 do thiếu ngoại tệ trầm trọng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nhiêu liệu. Việc thiếu nguồn cung nhiêu liệu tại quốc gia 22 triệu dân này đã khiến hoạt động giao thông vận tải công cộng tê liệt trong ngày 31/3.
Ngoài ra, Công ty Điện lực quốc gia Sri Lanka thông báo tăng thời gian cắt điện hằng ngày lên 13 giờ do không có đủ dầu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.
Giữa lúc khủng hoảng leo thang, toàn bộ 26 bộ trưởng trong Chính phủ Sri Lanka đã từ chức vào cuối tuần qua. Ngày 5/4, tân Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry cũng đã từ chức chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm vị trí này.
Đảng đối lập chính Samagi Jana Balawegaya (SJB) tại Sri Lanka đã yêu cầu chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, nếu không sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Hàng nghìn người đã cắm trại bên ngoài Phủ Tổng thống ở thủ đô Colombo trong ngày thứ 5 liên tiếp, kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.