Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 592.456 ca tử vong trong tổng số 33.276.988 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 226.636 ca tử vong trong số 20.740.429 ca bệnh. Ngày 5/5, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay với 3.780 ca trong vòng 24 giờ, trong khi ghi nhận thêm 382.315 ca mắc mới. Đây cũng là ngày thứ 14 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận trên 300.000 ca nhiễm mới. Đứng thứ 3 là Brazil với 411.854 ca tử vong trong số 14.860.812 bệnh nhân.
Tại châu Á, dịch bệnh tiếp tục hoành hành ở khu vực Đông Nam Á. Ngày 5/5, Bộ Y tế Lào cho biết nước này đã ghi nhận 46 ca mắc mới, nâng tổng số lên 1.072 ca, trong đó 99 người đã được điều trị khỏi và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này có thêm 672 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 16.971 ca, trong đó 110 ca tử vong. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo nhóm phụ trách chiến dịch tiêm chủng thuộc Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ chiến dịch và tiêm chủng cho cư dân trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, được gọi là “Khu vực Đỏ”, tại thủ đô Phnom Penh.
Thái Lan ngày 5/5 cũng ghi nhận 2.112 ca mắc mới và 15 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 74.900 ca, trong đó có 318 ca tử vong. Đa số ca mắc mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ đô Bangkok tiếp tục là tâm dịch khi ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất với 789 ca.
Trong khi đó, tại Indonesia, 155.000 binh sĩ và cảnh sát sẽ được triển khai trong khuôn khổ chiến dịch Ketupat Jaya 2021 từ ngày 6 - 17/5 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo từ ngày 13 - 14/5. Lực lượng trên sẽ thiết lập 2.693 chốt kiểm soát, xử lý các hành vi gây rối trật tự, đảm bảo an ninh tại các địa điểm công cộng như trung tâm mua sắm, nhà ga, sân bay, bến xe bus, cảng biển và các điểm du lịch.
Malaysia đã tái áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) tại thủ đô Kuala Lumpur từ ngày 7 - 20/5 tới. Đây là lần thứ ba thủ đô của quốc gia Đông Nam Á này được đặt dưới tình trạng MCO để kiểm soát đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc di chuyển giữa các quận và giữa các tiểu bang cũng bị cấm trừ trường hợp khẩn cấp và mục đích vì công việc. Ngày 5/5, Malaysia ghi nhận thêm 3.744 ca mắc COVID-19, trong đó có 313 ca tại Kuala Lumpur, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 434.376 ca.
Trong khi đó, Philippines mở rộng lệnh cấm nhập cảnh, theo đó sẽ cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh từ ngày 7 - 14/5 nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ. Trước đó, Philippines đã cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Ấn Độ từ ngày 29/4 đến ngày 14/5 do tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Á này đang trở nên trầm trọng. Philippines ngày 5/5 thông báo có thêm 5.685 ca mắc mới và 178 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.073.555 ca và 17.800 ca tử vong.
Ở khu vực Đông Á, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây trong bối cảnh chưa có dấu hiệu cho thấy dịch bệnh sẽ sớm lắng dịu bất chấp những biện pháp quyết liệt của chính quyền các địa phương.
Trong khi đó, Hàn Quốc miễn cách ly bắt buộc đối với người được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, ngày 5/5, những người đã được tiêm đủ liều vaccine sẽ không phải thực hiện việc cách ly bắt buộc 14 ngày khi trở về Hàn Quốc, kể cả gần đây có tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với người trở về từ các nước có số ca mắc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cao như Nam Phi và Brazil.
Tại châu Đại Dương, bang New South Wales (NSW), bang đông dân nhất Australia, đã thông báo ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong hơn một tháng qua. Hiện giới chức y tế đang nỗ lực truy vết nguồn lây. Trước diễn biến mới, Thủ hiến bang NSW, bà Gladys Berejiklian khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, tuân thủ các biện pháp phòng dịch gồm duy trì giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, xét nghiệm ngay khi có các triệu chứng nhẹ nhất, sử dụng mã QR...
Tại châu Mỹ, các nước ở khu vực Mỹ Latinh tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong mới, trong đó có Cuba, Argentina và Chile. Còn tại Bắc Mỹ, chính quyền Alberta - một tỉnh miền Tây Canada - vừa ra thông báo áp đặt thêm các biện pháp nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19, khi làn sóng thứ ba bùng phát mạnh đã biến Alberta trở thành nơi có tỷ lệ lây nhiễm tính trên đầu người cao nhất ở Bắc Mỹ, đe dọa đẩy hệ thống y tế của tỉnh vào tình trạng sụp đổ. Theo đó, các trường học tại Alberta sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến bắt đầu từ ngày 7/5. Còn từ ngày 5/5, các cuộc tụ họp ở không gian ngoài trời sẽ chỉ giới hạn trong 5 người và các nhà bán lẻ phải hoạt động ở mức 10% công suất. Các nhà hàng phục vụ ở không gian ngoài trời vẫn được phép mở cửa, trừ các tối Chủ nhật. Các phòng tập thể hình, thẩm mỹ viện, tiệm xăm... phải đóng cửa.
Trong khi đó, các nước ở châu Phi thiếu nghiêm trọng vaccine ngừa COVID-19 sau khi Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vaccine do diễn biến dịch phức tạp tại nước này đã dẫn đến nguồn cung cho cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX dần cạn kiệt. Hầu hết các nước tại châu lục này dựa vào nguồn vaccine của COVAX, chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng để đảm bảo các nước nghèo được tiếp cận công bằng với vaccine, với nhà cung cấp vaccine chính là Viện huyết thanh của Ấn Độ (SII). Hiện tại chương trình COVAX đang cần gấp 20 triệu liều vaccine vào cuối tháng 6 tới để giảm thiểu sự thiếu hụt nguồn cung và đã kêu gọi sự chia sẻ từ các quốc gia giàu có đang dư thừa nguồn vaccine.
Do tỷ lệ người dân được tiêm vaccine thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, giới chức y tế Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi - cảnh báo nước này có nguy cơ phải đối mặt với sự bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba. Từ ngày 5/3, Nigeria bắt đầu chương trình tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 với lô vaccine đầu tiên gồm 3,94 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca thông qua chương trình COVAX. Tuy nhiên đến ngày 4/5, Nigeria mới chỉ nhận khoảng 1,2 triệu liều vaccine này. Để đạt miễn dịch cộng đồng, Nigeria đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số vào cuối năm nay và 70% dân số vào năm 2022.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, WHO đã quyết định thành lập một trung tâm thu thập thông tin đại dịch toàn cầu tại Đức. Trung tâm này sẽ tập hợp các cơ quan chính phủ, các tổ chức học thuật và khu vực tư nhân, nhằm khai thác dữ liệu toàn cầu phục vụ công tác dự báo và ứng phó với những rủi ro dịch bệnh tiềm ẩn trên thế giới.