Các quan chức và chính khách nước ngoài tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009 ở London đã bị giám sát máy tính còn các cuộc gọi điện thoại của họ bị nghe lén theo chỉ thị của nước chủ nhà là Anh.
Snowden "tố" tình báo Anh nghe lén điện thoại của đại biểu G20. Ảnh: Internet |
Thông tin trên do chính Edward Snowden, người vừa làm chính phủ Mỹ lao đao khi tiết lộ chương trình giám sát Internet tuyệt mật, cung cấp cho tờ The Guardian và được tung ra đúng thời điểm Anh đang đăng cai hội nghị G8 năm 2013.
Theo tài liệu của Snowden, toàn bộ những ai dự hội nghị năm 2009 đều là đối tượng của một chương trình do thám có hệ thống của chính phủ Anh. Những mục tiêu bị Anh do thám năm 2009 gồm cả đại biểu các nước đồng minh lâu dài của nước này như Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông tin này có thể gây lo ngại cho các đoàn đại biểu tham dự hội nghị G8 lần này ở Anh. Có thể họ sẽ chất vấn thủ tướng Anh để xác nhận xem điều đó có đúng không và liệu hành động do thám đó có lặp lại lần này không.
Người ta từng đồn đoán rằng các hội nghị quốc tế thường có kiểu do thám này nhưng khó tìm bằng chứng để xác minh. Do đó, những gì Snowden cung cấp cho The Guardian có thể là bằng chứng đầu tiên.
Theo tài liệu tuyệt mật này, cơ quan tình báo Anh đã dùng những “khả năng tình báo đột phá” để can thiệp vào quá trình thông tin liên lạc của quan khách.
Các “chiêu” gồm: lập các quán cà phê Internet để dụ các quan khách vào rồi theo dõi hoạt động gửi thư điện tử của họ; xâm nhập an ninh điện thoại BlackBerry của các quan khác nhằm giám sát thư điện tử và cuộc gọi; sắp đặt 45 nhà phân tích thường trực để theo dõi xem ai đang gọi cho ai tại hội nghị G20; theo dõi bộ trưởng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ và 15 người khác trong đoàn của ông; nhận báo cáo từ kế hoạch nghe lén nhà lãnh đạo Nga Dmitry Medvedev của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ khi cuộc gọi của ông truyền qua vệ tinh đến Moscow.
Một số tài liệu khác còn cho thấy Anh có chiến dịch xâm nhập máy tính của quan chức Nam Phi và từ đó truy cập được vào mạng lưới của bộ ngoại giao Nam Phi…
Thùy Dương