Theo một báo cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ và Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) cùng công bố, khoảng 1,1 triệu sinh viên nước ngoài đã theo học tại các tổ chức giáo dục đại học của Mỹ trong năm học 2018 - 2019, chiếm 5,5% sinh viên của nước này. Song vào đầu tuần này, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông báo có thể sẽ ngừng cấp thị thực cho sinh viên nước ngoài nếu khóa học mùa thu của họ tại các trường đại học Mỹ được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến.
Điều này đang “phủ bóng” lên tương lai của hàng chục ngàn học sinh - sinh viên muốn đăng ký đại học tại Mỹ, đồng thời làm căng thẳng thêm ngân sách tại các trường vốn đã chật vật tìm cách mở lại trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn tiếp tục.
Nếu sắc lệnh trên được thực thi, một số nơi, gồm cả trường học lẫn cộng đồng dân cư, sẽ cảm nhận sâu sắc sự thiếu vắng nguồn đóng góp tài chính của các sinh viên nước ngoài. Do sinh viên nước ngoài thường trả học phí cao hơn sinh viên trong nước, cũng như hỗ trợ thị trường bất động sản và việc làm tại địa phương.
Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết tính riêng trong năm 2018, các sinh viên nước ngoài đã đóng góp 44,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Còn theo ước tính của NAFSA, một nhóm vận động giáo dục quốc tế, sinh viên quốc tế đã hỗ trợ khoảng 460.000 việc làm tại Mỹ trong năm học 2018 - 2019. Phần lớn các công việc này thuộc lĩnh vực giáo dục đại học, nhưng các lĩnh vực khác bao gồm nhà ở, bán lẻ, vận chuyển, bảo hiểm y tế cũng được hưởng lợi từ nhóm sinh viên này.
Báo cáo của IIE cho biết nguồn hỗ trợ tài chính cho 1,1 triệu sinh viên quốc tế chủ yếu từ nước ngoài. Trong đó, 57% sinh viên nói rằng nguồn tài chính của họ là từ bản thân hoặc gia đình, 5% khác từ các chính phủ, trường đại học hoặc nhà tài trợ ở nước ngoài.
Trung Quốc là nước đóng góp nhiều nhất vào số lượng sinh viên nước ngoài tại Mỹ, tiếp theo là Ấn Độ và Saudi Arabia.
Hiệp hội Quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) cho biết trong 12 tháng tính tới tháng 3/2018, tổng giá trị các giao dịch mua bất động sản tại Mỹ của người Trung Quốc đạt 30 tỷ USD. Trong số này, khoảng 10% giao dịch là dành cho sinh viên sử dụng, cao nhất trong số bất kỳ nhóm khách hàng quốc tế nào.
Bên cạnh đó, sinh viên nước ngoài tại Mỹ thường trả mức học phí cao hơn so với sinh viên bản địa, bao gồm cả mức phí “ngoài tiểu bang” (dành cho các sinh viên không phải người thuộc tiểu bang đó) tại các trường công lập cùng những các khoản phí bổ sung dành riêng cho sinh viên nước ngoài. Những khoản phí trên có thể mang lại nguồn thu lên tới cả chục triệu USD cho các trường đại học Mỹ.
Ông Terry Hartle, một quản lý cấp cao của Hội đồng Giáo dục Mỹ, cho biết các trường đại học lớn sẽ có một danh sách chờ được nhập học rất dài, bao gồm những sinh viên địa phương có thể thay thế bất kỳ sinh viên quốc tế nào. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng nhiều sinh viên quốc tế trả học phí toàn phần và đây là một nguồn thu cho phép các trường cung cấp hỗ trợ cũng như giảm học phí cho các sinh viên khác.