Thời gian không còn nhiều cho Huang Liquin, du học sinh Trung Quốc đang học tập tại Mỹ. Huang đã đăng ký chương trình tại một trường cao đẳng ở Minnesota nhưng đã chuyển đến California khi trường này tạm dừng giảng dạy hồi tháng 3 do đại dịch COVID-19 lan rộng.
Em đã lên kế hoạch đăng ký một khóa học trực tuyến vào học kỳ mùa thu và chuyển sang các lớp học trực tiếp vào kỳ mùa xuân nếu các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ suy giảm so với hiện nay. Tuy nhiên, quy định mới của Chính phủ Mỹ đã buộc Huang phải sớm tìm một lớp học trực tiếp, nếu không, em sẽ phải rời khỏi đất nước này.
Huang là một trong nhiều sinh viên đã phải thay đổi kế hoạch học tập của mình bởi quyết định mới của Mỹ. Hôm 6/7, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ tuyên bố sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường giảng dạy hoàn toàn theo hình thức học trực tuyến sẽ phải về nước hoặc đứng trước nguy cơ bị trục xuất.
Các sinh viên nước ngoài đăng ký học vào mùa thu năm nay sẽ không được tới Mỹ, nếu trường học chuyển sang học hoàn toàn trực tuyến. Đối với sinh viên nước ngoài đang ở Mỹ, nếu trường chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến, sinh viên sẽ phải chuyển trường nếu muốn tiếp tục ở lại Mỹ. Tuy nhiên, với các trường vừa học trực tiếp vừa học online, những sinh viên đăng ký ít nhất 1 tín chỉ học trực tiếp (in-person class) thì vẫn có thể được phép ở lại Mỹ.
Huang - một trong gần 370.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ hàng năm - cho biết em chưa nhận được phản hồi từ nhà trường. Có thể em sẽ chuyển sang một trường đại học khác trong tháng tới nếu không có gì thay đổi. Tuy nhiên, thời hạn chuyển trường tại hầu hết các trường đại học đã không còn nữa. “Có rất ít lựa chọn. Tôi có thể lái xe khắp nơi tìm trường nhưng nhiều trường đại học đã quá thời hạn đăng ký”, Huang nói.
Lily Li, 19 tuổi, một sinh viên đại học tại California, cho biết nếu trường của cô vẫn đào tạo theo hình thức hoàn toàn trực tuyến, cô sẽ phải trở về Trung Quốc. Trường đại học của Li đã khuyến cáo các sinh viên nước ngoài rằng nếu không học tập ở Mỹ trong nửa năm, họ cần phải nộp đơn xin lại thị thực du học.
“Nếu chính sách này có hiệu lực, tôi sẽ phải rời Mỹ vào khoảng giữa tháng 8. Nhưng việc mua vé sẽ không dễ dàng”, Li cho hay. Cô cho biết thêm có thể phải chuyển đến một trường cao đẳng cộng đồng trong một thời gian ngắn để xin thị thực.
Qian Jianan, đang đăng ký học Tiến sĩ tại Đại học Nam California, cho biết hiện tại cô vẫn ổn vì đang nghiên cứu theo một chương trình giảng dạy trực tiếp. Tuy nhiên, cô nói rằng chính sách mới có ảnh hưởng đến mình hay không còn phụ thuộc vào việc trường học của cô có được coi là tổ chức các lớp học hoàn toàn trực tuyến hay không. Qian cho biết cô sẽ đợi trường của mình tư vấn về vấn đề này để đưa ra kế hoạch cuối cùng.
Bên kia Thái Bình Dương, Claire hiện sống ở Bắc Kinh nói rằng cô đang loay hoay để thay đổi kế hoạch của mình. Cô đã đăng ký học tại Trường Đại học Giáo dục Harvard vài tháng trước. Ban đầu, cô dự định đến Mỹ vào tháng 8 để bắt đầu khóa học. Nhưng hiện tại, cô không thể lên đường vì trường này đang chuyển sang đào tạo theo chương trình trực tuyến.
Cô nói: “Tôi sẽ ở lại Bắc Kinh và học từ xa. Nhưng ở lại Bắc Kinh có nghĩa là tôi phải nỗ lực rất nhiều để theo dõi hoạt động của trường mình. Vừa học vừa làm sẽ khiến tôi kiệt sức”. Claire, người sở hữu một trường tư thục, cho biết cô thực sự mong muốn được trải nghiệm cuộc sống tại một ngôi trường ở nước ngoài với bạn bè từ khắp nơi trên thế giới.
Trong một lá thư, Hiệu trưởng Đại học Harvard Lawrence Bacow, nói rằng trường đại học của ông rất quan ngại đến chính sách mới này. Ông gọi đó là “một cách tiếp cận cứng nhắc đối với một vấn đề phức tạp”.
“Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các trường cao đẳng và đại học trên khắp đất nước để đề ra một hướng đi phù hợp nhất. Chúng ta phải làm tất cả mọi thứ để đảm bảo học sinh của mình có thể tiếp tục học tập mà không lo bị trục xuất giữa chừng. Chính sách mới đã làm gián đoạn tiến độ học tập và ảnh hưởng đến những cam kết và sự hy sinh mà nhiều người đã nỗ lực để tới Mỹ học tập”, ông Bacow nói.
Các trường đại học khác tại Mỹ cũng cho rằng họ sẽ xem xét lại vấn đề này và đưa ra kế hoạch phù hợp nhất.
Kim Wang - một nhà tư vấn tại cơ quan nghiên cứu Timespin, có trụ sở tại Thượng Hải - cho rằng Canada là điểm đến học tập phổ biến với hệ thống trường trung học và đại học cũng tương tự ở Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình Trung Quốc muốn cho con đi du học ở Mỹ. Họ cho rằng học phí ở trường đại học Mỹ tuy đắt đỏ nhất và chương trình học có nhiều bài kiểm tra hơn, nhưng nền giáo dục Mỹ có giá trị nhất trong một số lĩnh vực.
Trung Quốc là quốc gia có lượng du học sinh học tại Mỹ đông nhất trong Top 10, với gần 370.000 sinh viên, theo sau là Ấn Độ với 204.000 sinh viên. Sếp sau đó là Hàn Quốc (52.000 sinh viên), Saudi Arabia (37.000 sinh viên), Canada (25.000 sinh viên). Việt Nam xếp thứ 6 (24.000 sinh viên), trên Đài Loan/Trung Quốc, Nhật Bản, Brazil và Mexico.