Theo dự kiến, việc hạn chế này nhằm mục đích giúp sinh viên Mỹ tốt nghiệp đại học, cao đẳng tìm kiếm việc làm trong bối cảnh kinh tế suy yếu vì COVID-19. Quy định mới được cho là nằm trong gói cải tổ về hạn chế di trú. Ông Trump tuyên bố sẽ ký sắc lệnh hành pháp đối với gói cải cách này, có thể là trong một vài tuần tới.
Chương trình OPT cho phép sinh viên nước ngoài tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở Mỹ có thể được làm việc trong thời hạn một năm, thậm chí là ba năm đối với chuyên ngành khoa học, kĩ thuật nếu số này nhận được tài trợ của một công ty bản địa. OPT được xem là bước đệm để sinh viên nước ngoài tiếp cận được visa H-1B dành cho lao động trình độ cao.
Giới cố vấn về nhập cư của ông Trump vẫn chưa quyết định cách thức hạn chế chương trình này. Có ý kiến đề xuất trì hoãn OPT trong thời hạn một năm, tuy nhiên cũng có thể có trường hợp ngoại lệ. Số khác cho rằng cần hạn chế ngành nghề được cấp OPT.
Mỹ gần đây thực hiện nhiều bước điều chỉnh, đặc biệt là đối với các chương trình liên quan đến visa làm việc. Người nước ngoài gặp khó khăn hơn, phải tốn chi phí nhiều hơn khi tiếp cận visa này; những công ty, doanh nghiệp cũng bị siết quy định về visa nếu tiếp nhận lao động nước ngoài. Trong tháng 4, ông Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh trong 60 ngày đối với trường hợp nhập cư mới.
Số lượng sinh viên tham gia vào chương trình OPT đã tăng mạnh trong vài năm gần đây. Trong năm học 2018-2019, đã có 223.000 sinh viên tốt nghiệp ở lại Mỹ theo diện OPT, tăng so với mức 106.000 sinh viên ở thời điểm 5 năm trước đó.
Theo số liệu của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, các tập đoàn lớn như Amazon, Alphabet (công ty mẹ của Google) hay Deloitte… là bến đỗ hàng đầu đối với số sinh viên thuộc diện OPT. Giới tuyển dụng tại thung lũng công nghệ Silicon từng nhiều lần hối thúc chính quyền cho phép họ tiếp tục được tuyển dụng lao động trình độ cao người nước ngoài.
Các trường đại học, cao đẳng tại Mỹ nhìn nhận, triển vọng làm việc ngắn hạn sau thời gian tốt nghiệp là điểm quan tâm hàng đầu đối với sinh viên nước ngoài có ý định theo học tại Mỹ. Vì thế, quyết định này sẽ là thông điệp lạnh lùng về cam kết của các trường đối với sinh quốc tế.
Ravi Shankar, Giám đốc phụ trách văn phòng dịch vụ quốc tế tại Đại học Rochester cho rằng, số lượng sinh viên nước ngoài tại Mỹ sẽ giảm một khi chính quyền hạn chế các cơ hội mà OPT tạo ra. “Một quyết định như thế là thiển cận. Sinh viên sẽ không xem Mỹ là điểm đến về đào tạo nữa”, ông chia sẻ. Tại Đại học Rochester, hiện có 4.000 sinh viên quốc tế theo học, chiếm 1/3 lượng sinh viên của trường, chưa kể khoảng 1.000 sinh viên khác đang làm việc theo diện OPT.
OPT là mục tiêu công kích hàng đầu của thế lực theo đường lối cứng rắn chống nhập cư, số cho rằng Mỹ thiếu các quy định bảo vệ việc làm cho công dân Mỹ, không ngăn chặn được việc các nhà tuyển dụng thuê mướn lao động nước ngoài. Bà Jessica Vaughan, Giám đốc nghiên cứu chính sách tại Trung nghiên cứu Nhập cư cho rằng các công ty tuyển dụng sinh viên OPT không hẳn nhằm vào số tinh tú nhất, thông minh nhất, họ chỉ muốn có được nhân công giá rẻ hơn mà thôi.
Giới chức chính quyền đã thảo luận về biện pháp kiểm soát visa sinh viên và chương trình OPT, như là một hình thức để trả đũa Trung Quốc - nước hiện có sinh viên chiếm 1/3 tổng sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ. Họ lo ngại chính những sinh viên tham gia nghiên cứu tại Mỹ sẽ tuồn những phát kiến khoa học cho công ty của Trung Quốc hay quân đội Trung Quốc.