Trong bức thư công khai trên trang thông tin điện tử của MIT ngày 3/4, Phó Chủ tịch MIT Maria Zuber và Hiệu trưởng MIT Richard Lester cho biết MIT không chấp nhận mọi hình thức hợp tác mới hoặc gia hạn các thỏa thuận hợp tác hiện có với Huawei và ZTE, cũng như các chi nhánh của 2 tập đoàn này trong thời gian hai công ty này đang bị giới chức Mỹ điều tra về hành vi vi phạm các biện pháp trừng pháp hiện hành của Washington. Theo lý giải của MIT, các dự án nghiên cứu có sự góp vốn của các cá nhân, doanh nghiệp từ Trung Quốc, Nga và Saudi Arabia,... cũng sẽ được xem xét lại.
Hai đại diện của MIT cho biết cơ quan này sẽ xem xét lại hoạt động hợp tác với các thực thể của Trung Quốc khi các cuộc điều tra được làm sáng tỏ.
Ngoài MIT, một số trường đại học khác của Mỹ gồm Đại học UC Berkeley và Đại học Stanford cũng có những động thái tương tự khi cắt đứt mối quan hệ nghiên cứu với Huawei sau những cáo buộc điều tra của giới chức nước này. Hồi đầu năm, Đại học Oxford thông báo trường này sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đang triển khai, song không tiếp nhận các khoản đầu tư mới từ Huawei cho các hợp đồng nghiên cứu, cũng như khoản gây quỹ từ thiện.
ZTE gần như sụp đổ vào năm 2018 sau khi chính quyền Mỹ cấm các doanh nghiệp nước này bán các sản phẩm chip và những linh kiện điện tử khác cho Huawei, ZTE hay những doanh nghiệp viễn thông khác của Trung Quốc với lý do ZTE che đậy giao thương với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Trong khi đó, Huawei đang trải qua thời kỳ khó khăn sau vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu do cáo buộc bà và Huawei đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Chưa dừng lại ở đó, hai công ty con của Huawei còn bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của tập đoàn viễn thông T-Mobile. Huawei vẫn chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào trước những thông tin nói trên.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đặt ra câu hỏi liên quan đến cách xử lý của MIT đối với các công ty có liên quan, song cho biết Bắc Kinh luôn khuyến khích các công ty Trung Quốc tuân thủ quy định nước sở tại và quốc tế. Người phát ngôn Cảnh Sảng đồng thời hối thúc Chính phủ Mỹ tạo môi trường hoạt động bình đẳng cho các doanh nghiệp Trung Quốc.