Singapore ngừng mọi hoạt động giải trí, cấm tụ tập trên 10 người

Singapore ngày 24/3 tuyên bố nước này sẽ đóng cửa các quán bar, rạp chiếu phim và khu vui chơi giải trí để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-2 tại Singapore ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông báo, Bộ Y tế Singapore cho biết quy định trên sẽ có hiệu lực từ 23h59 tối 26/3 (giờ địa phương) và kéo dài đến ít nhất là ngày 30/4 tới.

Bên cạnh đó, Singapore cũng cấm mọi hoạt động tụ tập trên 10 người, ngoại trừ nơi làm việc và trường học. Các trung tâm thương mại, bảo tàng và nhà hàng vẫn được phép mở cửa, nhưng phải giảm công suất hoạt động.

Theo số liệu mới nhất, trong ngày 24/3, Singapore ghi nhận thêm 49 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 558 người. Hôm 21/3 vừa qua, đảo quốc này xác nhận 2 ca tử vong đầu tiên.

Cùng ngày, các nhà khoa học Singapore cho biết họ đã phát triển một phương pháp để theo dõi những thay đổi về gene, giúp đẩy nhanh quá trình thử nghiệm vaccine phòng COVID-19.

Theo các nhà khoa học tại Trường Y khoa Duke-NUS, kỹ thuật mới chỉ cần vài ngày để đánh giá các loại vaccine do công ty công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics của Mỹ cung cấp, so với vài tháng để thử nghiệm phản ứng trên người theo yêu cầu.

Phó Giám đốc chương trình bệnh truyền nhiễm của trường trên, ông Ooi Eng Eong, cho biết việc việc đánh giá nhanh những thay đổi về gene sau khi tiêm vaccine cho phép các nhà khoa học xác định tính hiệu quả cũng như tác dụng phụ của vaccine, thay vì chỉ dựa vào phản ứng của những người nhận vaccine.

Dự kiến, trong tuần tới, các nhà khoa học sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine trên chuột. Việc thử nghiệm trên người sẽ được tiến hành vào nửa cuối năm nay.

* Cảnh sát Quốc gia Indonesia ngày 24/3 tuyên bố sẽ buộc tội hình sự đối với những người vi phạm lệnh cấm tụ tập đông người nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.            

Chú thích ảnh
Nhân viên phun thuốc khử trùng tại một ngôi đền ở Trung Java, Indonesia ngày 17/3/2020, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Tướng M. Iqbal cho biết những người vi phạm có thể bị phạt tù tới 12 tháng hoặc bị phạt tới 900.000 Rupiah (56,25 USD) theo các điều 212, 216 và 218 của Bộ luật hình sự (KUHP).

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tướng Iqbal nêu rõ: "Bất kỳ ai không tuân thủ quy định, cảnh sát sẽ buộc tội dựa theo luật hiện hành", đồng thời nhấn mạnh rằng sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu tại thời điểm này.

Tướng Iqbal cho biết 460.000 cảnh sát đã được triển khai trên khắp cả nước để giải tán đám đông. Trong những ngày qua, cảnh sát đã giải tán nhiều nơi tụ tập đông người, bao gồm cả một số tiệc cưới.

Trước đó, hôm 20/3, Cảnh sát trưởng quốc gia Idham Azis đã ban hành sắc lệnh cấm các cuộc tụ tập đông người tại những địa điểm công cộng, kể cả tư nhân. Sắc lệnh này được ban hành sau khi Tổng thống Joko Widodo kêu gọi người dân làm việc, học tập và cầu nguyện tại nhà trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tính đến chiều 24/3, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 686 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 55 người tử vong và 30 người bình phục.

* Trong khi đó, tại Jordan, trên 1.600 người đã bị bắt trong 3 ngày qua do vi phạm lệnh giới nghiêm, được ban bố nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng.

Theo một quan chức an ninh, 1.657 người đã bị bắt tại Jordan sau khi lệnh giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21/3 có liệu lực. Trước đó, chính phủ đã cảnh báo rằng những người bị bắt vì không tuân thủ quy định này sẽ bị tạm giữ trong vòng 14 ngày và có thể đối mặt với án tù lên tới 1 năm.

Tính đến ngày 24/3, quốc gia 10 triệu dân này đã ghi nhận 127 ca mắc COVID-19 và hiện chưa có ca tử vong nào.

* Theo thông báo của Bộ Y tế Nam Phi, tính đến hết sáng 24/3, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 153 người, nâng tổng số ca mắc tại Nam Phi lên thành 554, tăng hơn 38% so với ngày trước đó.

Tiếp theo lệnh phong tỏa đất nước trong 21 ngày từ 26/3 - 16/4 được Tổng thống Cyril Ramaphosa  công bố tối 23/3, các bộ ngành của Nam Phi sẽ tiếp tục công bố các chương trình cụ thể phòng chống đại dịch COVID-19 và giảm thiểu tác động kinh tế, cũng như hỗ trợ người dân trong thời gian này.

* Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly ngày 24/3 ra thông báo cho biết quốc gia Bắc Phi này sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h tối hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau kể từ ngày 25/3.

Chú thích ảnh
Một đền thờ tại Cairo, Ai Cập, đóng cửa ngày 21/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Biện pháp này sẽ được thực thi trong thời gian 2 tuần nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngoài ra, các phương tiện vận tải tư nhân và công cộng cũng sẽ tạm dừng hoạt động trong khoảng thời gian trên.

Trước đó, Bộ Y tế nước này ngày 23/3 cho biết số ca nhiễm hiện đã lên đến 366 ca sau khi phát hiện thêm 39 ca mới. Trong khi đó, theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số ca tử vong do COVID-19 đã lên đến 19 ca sau khi có thêm 5 người, trong đó có 4 người Ai Cập và một người Ấn Độ tử vong. Ngoài ra, tính đến nay số người đã khỏi bệnh cũng tăng lên tới 96 trường hợp.

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã kêu gọi người dân nước này tuân thủ đầy đủ các biện phòng chống dịch bệnh COVID-19 mà chính phủ đã áp dụng. Ông Sisi nêu rõ: “Tôi khẩn thiết yêu cầu tất cả mọi người cam kết thực hiện theo các quy trình đó nhằm giữ cho Ai Cập được bình yên và an toàn”.

Phan An - Phương Hoa - Trương Anh Tuấn (TTXVN)
Gian nan cuộc chiến chống COVID-19 tại Indonesia
Gian nan cuộc chiến chống COVID-19 tại Indonesia

Với các ca lây nhiễm và tử vong gia tăng mỗi ngày, Indonesia đang đứng trước nguy cơ trở thành “điểm đen” dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN