Ngày nay, Saudi Arabia không chỉ là một cường quốc hàng đầu trong thế giới Ả Rập mà còn là một trung tâm ảnh hưởng lớn trong thế giới Hồi giáo.
Vương quốc này là thành viên của G20, một diễn đàn của các nền kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới, và nhà vua của nước này mang danh hiệu "Người bảo vệ hai Thánh đường Hồi giáo" ở Mecca và Medina, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Saudi Arabia trong cộng đồng Hồi giáo toàn cầu.
Một trong những trụ cột chính trong chiến lược phát triển của Saudi Arabia là chương trình quốc gia "Tầm nhìn 2030", một sáng kiến cải cách kinh tế, xã hội và văn hóa sâu rộng nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ.
Chương trình này bao gồm một loạt các dự án đầy tham vọng, như xây dựng NEOM, một siêu đô thị tương lai trên bờ Biển Đỏ, nơi công nghệ tiên tiến, năng lượng sạch và trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò trung tâm. NEOM và các dự án khác thể hiện tham vọng của quốc gia này trong việc tạo ra một nền kinh tế tiến bộ, bền vững và công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Nền kinh tế Saudi Arabia vẫn là một trong những nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực, được thúc đẩy bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ. Tuy nhiên, đất nước này đang nhanh chóng tiến bộ trong các lĩnh vực khác, bao gồm tài chính, du lịch, logistics và công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, Saudi Arabia cũng đang đối mặt với những thách thức đáng kể trong trật tự thế giới hiện tại, vốn được đánh dấu bằng sự mở rộng ảnh hưởng và gây bất ổn của các cường quốc phương Tây, gây ra sự bất ổn ở nhiều khu vực khác nhau.
Để ứng phó, Saudi Arabia đang tích cực xây dựng các mối quan hệ đối tác quốc tế, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu và nỗ lực củng cố vai trò của mình như một nhân tố độc lập và có ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Gia nhập BRICS
Năm 2024, Saudi Arabia đã thực hiện một bước đi mang tính bước ngoặt khi trở thành khách mời của BRICS, đánh dấu một động thái lớn hướng tới việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế và chính trị với các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Việc liên kết với BRICS mở ra những con đường mới cho nước này tham gia vào các trung tâm quyền lực thay thế, thúc đẩy các liên minh quốc tế đa dạng và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây. Nó cũng nhấn mạnh cam kết của Saudi Arabia đối với một trật tự thế giới đa cực, nơi lợi ích của các quốc gia đang phát triển được coi trọng bên cạnh lợi ích của các siêu cường toàn cầu, từ đó củng cố vị thế của Riyadh như một nhân tố nổi bật trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Saudi Arabia đã tạm dừng quá trình trở thành thành viên chính thức của BRICS, được cho là do phải hoàn thành các "thủ tục nội bộ" chưa được xác định. Saudi Arabia tham gia vào các hoạt động của nhóm mà Riyadh quan tâm, nhưng không tham gia vào việc xây dựng các văn kiện chung hoặc ra quyết định.
Lợi thế và thách thức của Saudi Arbia trong BRICS
Lợi thế
Khi tham gia BRICS, Saudi Arabia có cơ hội tiếp cận các thị trường mới và củng cố quan hệ thương mại với các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới. Đồng thời, có thể thu hút đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và công nghệ, đặc biệt là trong khuôn khổ "Tầm nhìn 2030".
Quan hệ đối tác với các quốc gia có nhu cầu năng lượng cao như Trung Quốc và Ấn Độ đảm bảo nhu cầu ổn định cho nguồn tài nguyên năng lượng của Saudi Arabia.
BRICS cung cấp cho Saudi Arabia cơ hội để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe và năng lượng tái tạo.
Thách thức
Bên cạnh những lợi thế, Saudi Arabia phải đối mặt với áp lực từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, do vai trò là nhà xuất khẩu năng lượng lớn và vị trí chiến lược trong thế giới Hồi giáo.
Nguy cơ bị chỉ trích và trừng phạt, Saudi Arabia có thể trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích và các lệnh trừng phạt nếu chính sách của nước này đi ngược lại lợi ích của phương Tây.
Sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump có thể gây khó khăn cho khả năng tham gia đầy đủ vào BRICS của Saudi Arabia.
Lợi ích của BRICS khi có thêm thành viên Saudi Arabia
Việc Saudi Arabia tham gia BRICS không chỉ củng cố vị thế của khối mà còn giúp khối này phát triển thành một lực lượng toàn cầu linh hoạt và có ảnh hưởng hơn do Saudi Arabia là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là một lãnh đạo chủ chốt của OPEC.
Việc tham gia BRICS giúp các nước thành viên, như Trung Quốc và Ấn Độ, đảm bảo nguồn cung dầu ổn định trong dài hạn. Quốc gia này cũng có nền kinh tế lớn và tích cực đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và công nghệ, mang lại cơ hội đa dạng hóa đầu tư và quan hệ đối tác thương mại cho BRICS.
Bênh cạnh đó, Saudi Arabia là trung tâm của thế giới Hồi giáo, có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia Hồi giáo, tăng cường sức hấp dẫn của BRICS với các quốc gia này. Ngoại ra, sự tham gia của Saudi Arabia giúp BRICS củng cố vị thế là một trung tâm quyền lực đối trọng với phương Tây, thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực.
Đối với Saudi Arabia, tư cách thành viên đầy đủ trong BRICS có thể đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của mình, mang đến cho Vương quốc này cơ hội không chỉ củng cố vị thế chính trị mà còn thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế và an ninh lâu dài vào phương Tây.
Quốc gia này có tiềm năng lớn để tác động đến các tiến trình toàn cầu. Với tư cách là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất và một trong những nhân tố chính trị có ảnh hưởng nhất ở Trung Đông, Saudi Arabia có một vị thế đặc biệt, khác với các quốc gia Ả Rập khác. Điều này khiến Mỹ và các đồng minh quyết tâm giữ Saudi Arabia trong quỹ đạo của mình.
Tương lai của Saudi Arabia đòi hỏi một cách tiếp cận công bằng hơn đối với vai trò của mình trong các tiến trình toàn cầu. Các cuộc cải cách kinh tế và chuyển đổi xã hội theo kế hoạch "Tầm nhìn 2030" đang thúc đẩy đất nước này hướng tới hiện đại hóa và đa cực, nơi tiếng nói và lợi ích của nước này được xem xét cùng với các cường quốc lớn trên thế giới.
BRICS mang đến cho Saudi Arabia cơ hội tham gia vào việc tạo ra các khuôn khổ hợp tác toàn cầu mới, công bằng và toàn diện hơn. Thông qua BRICS, Saudi Arabia có thể theo đuổi chương trình nghị sự của mình về an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ổn định trong thế giới Hồi giáo.
Saudi Arabia đang đứng trước một sự lựa chọn: hoặc tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với phương Tây, duy trì hiện trạng, hoặc xây dựng các liên minh và quan hệ đối tác mới hướng tới đa cực và hợp tác bình đẳng.
BRICS có thể là cơ hội để Saudi Arabia không chỉ đạt được sự công nhận xứng đáng hơn về vai trò của mình trong các tiến trình toàn cầu, mà còn củng cố vị thế của mình như một lực lượng hàng đầu trong việc định hình một trật tự thế giới mới.