Theo đài RT (Nga), Bộ Quốc phòng Belarus đã xác nhận thông tin trên hôm 28/12. Mục tiêu của cuộc diễn tập, được tiến hành tại văn phòng sĩ quan chỉ huy Minsk, nhằm “kiểm tra kiến thức của các binh sĩ và đánh giá khả năng của họ trong quá trình chuyển đơn vị sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất”, tuyên bố ngắn gọn cho biết. Ngoài ra, cơ quan này cho biết cuộc diễn tập đã được lên kế hoạch từ trước.
Belarus là đồng minh thân cận của Nga. Hồi tháng 10, hai quốc gia đã tuyên bố thành lập lực lượng quân sự chung do Belarus chủ trì nhằm củng cố an ninh quốc gia. Theo thoả thuận, gần 9.000 binh sĩ Nga sẽ đóng quân tại Belarus, trong khi Belarus sẽ điều động 70.000 quân nhân, chiếm phần lớn lực lượng.
Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho biết vào thời điểm đó, Quân đội Mỹ duy trì khoảng 35.000 quân ở Đông Âu, bao gồm trên 22.000 quân ở Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic. Ông tuyên bố rằng những đội quân này có thể được chỉ đạo tấn công đất nước.
Tổng thống Alexander Lukashenko cáo buộc các quốc gia thành viên NATO, bao gồm Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, cũng như Ukraine, là mối đe dọa đối với Minsk. Đầu tháng này, ông Lukashenko cho biết Belarus đã tiếp nhận và triển khai vũ khí tiên tiến từ Nga, bao gồm hệ thống phòng không tầm xa S-400 và tên lửa chiến thuật Iskander.
Tuần trước, Belarus đã đưa ra các hạn chế đi lại ở một số khu vực giáp biên giới với Ukraine, với lý do căng thẳng gia tăng với quốc gia láng giềng. Minsk cáo buộc Kiev tiến hành khiêu khích ở biên giới.
Gần nhất vào tháng 11/2022, Biên phòng Belarus cồng bố một đoạn video ghi tại một trạm kiểm soát ở biên giới Ukraine - Belarus cảnh một quân nhân Ukraine "vượt biên trái phép, chụp ảnh và quay video về khu vực, đồng thời tìm kiếm hoặc cài đặt thứ gì đó trong tuyết" vào ngày 19/11.
Lực lượng biên phòng Belarus cho biết những tình huống như vậy ở biên giới “có thể dẫn đến một cuộc đụng độ vũ trang”.
Trước đó vào ngày 4/10, hãng tin Reuters cho biết Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã cáo buộc nước láng giềng Ukraine gửi 15.000 quân tới khu vực biên giới để xây dựng hệ thống phòng thủ và tiến hành do thám. Việc này được ông Lukashenko gọi là "hành động khiêu khích".
Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ Belarus trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tuy nhiên, nước này từ chối điều động lực lượng quân đội tới nước láng giềng tham chiến.
Về phần mình, Ukraine đã bắt đầu xây dựng một bức tường và hệ thống hào dọc biên giới với Belarus ở tỉnh Volyn phía Tây Bắc. Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng các hệ thống này nhiều khả năng là nhằm ngăn chặn người di cư vượt biên hơn là vì mục đích quân sự.