Tuy nhiên, những quy định quản lý đánh bắt cá ngặt nghèo hơn nhằm đảm bảo tính bền vững của ngành kinh tế này cũng khiến cho người dân nơi đây gặp khó khăn do gián đoạn sinh kế trong một quãng thời gian nhất định trong năm. Nhằm thích ứng với tình hình mới, một nhóm phụ nữ trong làng đã tham gia sáng kiến mới, tận dụng da cá bị vứt bỏ trên bãi biển sau mỗi đợt chế biến để tạo ra những chất liệu phục vụ ngành thời trang bền vững.
Hai năm trước, cả Mauren Castro, 41 tuổi và Marta Sosa, 70 tuổi, đều là những bà nội trợ, phụ thuộc hoàn toàn kinh tế vào những người chồng làm nghề đánh cá để chu cấp cho gia đình 4 và 6 miệng ăn. Tình hình mới đã thúc đẩy họ tham gia hợp tác xã Piel Marina (Marine Skin) cùng hơn 10 phụ nữ khác, với công việc chính là xử lý những tấm da cá nhầy nhụa, chà xát, cạo, rửa và thuộc da để biến thành da thuộc.
Ban đầu, những người phụ nữ này tỏ ra nghi ngờ về việc tạo ra trang phục hay phụ kiện từ những tấm da cá có mùi tanh nồng đặc trưng. Nhưng theo thời gian, công việc này đã trở nên quen thuộc và mang lại nguồn thu nhập tăng thêm cho mỗi gia đình. Những bộ da được tận dụng sau quá trình phi lê cá để lấy thịt có thể được xử lý để trở thành vật liệu làm bông tai, vòng cổ hay thậm chí là túi xách.
Quá trình xử lý bắt đầu với khâu sơ chế, chà xát da cá nhẹ nhàng giữa các ngón tay để loại bỏ vảy và phần thịt còn sót lại trước khi mang đi giặt bằng xà phòng, như giặt quần áo. Sau đó, miếng da được nhuộm bằng glycerin, cồn và thuốc nhuộm tự nhiên, rồi phơi khô. Quá trình nhuộm mất 4 ngày, thêm 4 ngày để phơi khô dưới ánh nắng Mặt Trời để tạo ra loại vải mềm, dẻo nhưng chắc chắn. Điều quan trọng là da cá đã qua xử lý không còn mùi tanh và có ưu điểm là không thấm nước.
Từ những người chỉ biết đến việc nội trợ, những người phụ nữ miền biển đến nay đã trở thành những người thợ thuộc da, thậm chí là những nhà thiết kế trang sức bán khuyên tai và dây chuyền nhiều màu sắc trên Instagram và Facebook. Một đôi bông tai hình con bướm làm từ chất liệu đặc biệt này có giá khoảng 7 USD. Sản phẩm của “công xưởng” làng chài còn được bán cho các nhà sản xuất dệt may quy mô nhỏ ở cảng Puntarenas, cảng chính trên bờ biển Thái Bình Dương của Costa Rica.
Đáng chú ý, Costa Rica không phải là quốc gia đầu tiên biết đến tiềm năng thương mại của ngành thuộc da cá. Đây thực ra đã là tập quán lâu đời của người dân bản địa từ Alaska đến Scandanavia đến châu Á. Trong khi da cá hồi từ lâu đã được người Ainu ở Nhật Bản và người Inuit ở miền Bắc Canada sử dụng để làm ủng và quần áo, thì trên bờ hồ Victoria ở Kenya giờ đây da cá rô phi địa phương đã được xử lý thành vật liệu để làm túi xách.
Trong khi đó, công ty Nova Kaeru của Brazil cũng đã cung cấp mặt hàng da làm từ vảy của loài cá pirarucu khổng lồ có nguồn gốc từ Amazon. Trên các chợ trực tuyến, không khó để tìm được những chiếc túi da cá được bán với giá hàng trăm USD. Một trong những nhà thiết kế thời trang tên tuổi đầu tiên say mê đồ da là cựu Giám đốc sáng tạo của Dior, John Galliano, người đã diện một chiếc áo khoác da cá hồi Đại Tây Dương và túi da cá trong bộ sưu tập năm 2002 của mình.
Hiện tại, những người phụ nữ của hợp tác xã Piel Marina rất vui khi có được một công việc vừa giúp họ thoát khỏi 4 góc bếp vừa mang lại thêm một khoản thu nhập nhỏ. Giờ đây họ còn mơ về một ngày mà đồ da họ làm bằng tay trên bãi biển có thể bước ra sân khấu thời trang toàn cầu. Đôi mắt của Castro sáng lên khi nghĩ đến viễn cảnh những tấm da cá mà nhóm của cô đang mất công xử lý được biến thành những sản phẩm tỏa sáng ở kinh đô điện ảnh Hollywood hoặc trên các sàn catwalk trứ danh ở Paris hoa lệ.