Chia sẻ trên nền tảng X, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh “đây là tin tức đáng khích lệ từ Rwanda”. Ông đồng thời đánh giá cao chính phủ và người dân Rwanda vì đã hợp tác với WHO để khởi động thử nghiệm lâm sàng đầu tiên cho căn bệnh do virus Marburg gây ra.
Dịch Marburg tại Rwanda được công bố lần đầu tiên hồi cuối tháng 9 vừa qua và chương trình tiêm thử nghiệm vaccine ngăn ngừa căn bệnh này đã được triển khai vào đầu tháng 10. Cơ quan Giám sát Y tế của Liên minh châu Phi (AU) tuần trước thông báo rằng “dịch đã được kiểm soát”. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Y tế Rwanda Sabin Nsanzimana cho biết quốc gia thuộc vùng Hồ Lớn này đã ghi nhận 58 ca bệnh và 13 ca tử vong do dịch Marburg, trong đó 12 người đã bình phục và hơn 2.700 người đã được xét nghiệm tầm soát bệnh.
Virus Marburg được truyền từ dơi ăn quả sang người và thuộc nhóm filovirus, cùng họ với virus Ebola. Loại virus này gây sốt xuất huyết với tỷ lệ tử vong lên tới 88%, thường kèm theo xuất huyết và suy tạng. Hiện tại, chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào được phê duyệt chính thức, mặc dù các giải pháp tiềm năng, bao gồm sản phẩm máu, liệu pháp miễn dịch và thuốc kháng virus đang được thử nghiệm.
WHO cho biết thử nghiệm lâm sàng này nhằm đánh giá độ an toàn và hiệu quả của Remdesivir – loại thuốc từng được sử dụng để điều trị COVID-19 – và MBP091, một kháng thể đặc biệt được thiết kế để chống lại virus Marburg.
Theo WHO, “thử nghiệm này là kết quả của hai năm hợp tác giữa gần 200 nhà khoa học, chuyên gia phát triển và quan chức y tế từ 17 quốc gia châu Phi có nguy cơ cao đối diện với các dịch bệnh từ filovirus như Ebola và Marburg”.