Theo đài RT, truyền thông quốc gia của Niger đưa tin một máy bay chở hàng quân sự Nga đã mang theo một đội ngũ huấn luyện viên và nhiều thiết bị khác nhau đến hỗ trợ quân đội Niger huấn luyện chống khủng bố.
Các huấn luyện viên người Nga đã đến Niger vào tối 10/4 - đài phát thanh truyền hình công cộng Radio Television du Niger (RTN) đưa tin tối 11/4 đi kèm với đoạn video về một chiếc máy bay quân sự đang dỡ hàng.
Một người đàn ông mặc đồ ngụy trang được RTN phỏng vấn cho biết: “Chúng tôi ở đây để huấn luyện quân đội Niger... và để phát triển hợp tác quân sự giữa Nga và Niger”.
“Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động chống khủng bố. Và chúng tôi ở đây để chia sẻ kinh nghiệm này với bạn bè của mình”, một chuyên gia Nga khác nói với Sputnik. “Chúng tôi mang theo cơ sở giáo dục và vật chất để đào tạo các chuyên gia khác nhau.”
Đài RTN cũng cho biết Nga đã đồng ý lắp đặt hệ thống phòng không ở Niger. Đài này nhấn mạnh: “Không phận của chúng tôi giờ đây sẽ được bảo vệ tốt hơn”.
Hãng tin Reuters cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy quốc gia Tây Phi này đang xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moskva giống như các nước láng giềng do chính quyền quân sự lãnh đạo của họ.
Không có bình luận ngay lập tức từ Nga, quốc gia đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở châu Phi, tự quảng bá mình là một quốc gia thân thiện không có quá khứ thực dân - thuộc địa trên lục địa này.
Lãnh đạo chuyển tiếp của Niger, Abdourahamane Tchiani và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết phối hợp các nỗ lực chống khủng bố ở khu vực Sahel vào tháng trước. Theo Điện Kremlin, vấn đề này đã được thảo luận khi lãnh đạo quốc gia Tây Phi này gọi điện cho ông Putin để bày tỏ tình đoàn kết với Moskva sau vụ tấn công khủng bố tại trung tâm biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall.
Kể từ khi lên nắm quyền sau khi Tổng thống thân phương Tây Mohamed Bazoum bị lật đổ vào năm ngoái, ban lãnh đạo mới của Niger đã thực hiện các biện pháp cắt đứt quan hệ với các đối tác cũ của Niamey, với lý do họ đã thất bại trong việc dập tắt bạo lực “thánh chiến” cực đoan ở Sahel.
Pháp đã hoàn tất việc rút quân khỏi Niger vào tháng 12 năm ngoái sau khi các nhà lãnh đạo quân sự của Niamey ra lệnh cho họ rời đi, cáo buộc quốc gia này can thiệp nội bộ.
Tuy nhiên, Washington đã loại trừ khả năng rút quân khỏi Niger, ngay cả sau khi Niamey hủy bỏ thỏa thuận với Mỹ vốn cho phép khoảng 1.000 lính Mỹ và các nhà thầu dân sự hoạt động tại quốc gia không giáp biển này. Vào giữa tháng 3 vừa qua, chính quyền Niger đã thông báo hủy bỏ hiệp định quân sự với Mỹ, mà theo đó nhân sự của Lầu Năm Góc được hoạt động trên lãnh thổ của họ ở hai căn cứ, bao gồm cả một căn cứ máy bay không người lái mà nước này xây dựng với chi phí hơn 100 triệu USD.
Lầu Năm Góc sau đó cho biết, trước khi chính quyền quân sự Niger hủy bỏ hiệp định quản lý khoảng 1.000 quân nhân Mỹ, Washington đã bày tỏ quan ngại với Niger về khả năng phát triển mối quan hệ với Nga.
Kể từ năm 2020, một loạt cuộc đảo chính quân sự ở Niger và các nước láng giềng Mali và Burkina Faso đã đi theo một kịch bản tương tự và định hình lại các nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ với phiến quân Hồi giáo có liên hệ với Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ba chính quyền đã chấm dứt các thỏa thuận quân sự với các đồng minh lâu đời bao gồm Pháp, trong khi thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và thành lập hiệp ước hợp tác của riêng họ được gọi là Liên minh các quốc gia Sahel (AES).
Tuy nhiên, bạo lực trong khu vực đã trở nên tồi tệ hơn sau các cuộc đảo chính. Theo nhóm giám sát khủng hoảng ACLED có trụ sở tại Mỹ, tỷ lệ tử vong do xung đột ở miền Trung Sahel tăng 38% so với năm trước và chỉ riêng ở Burkina Faso đã có hơn 8.000 người thiệt mạng vào năm ngoái.
Sự bất ổn đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài ở khu vực giáp sa mạc Sahara, vốn là một trong những nơi nghèo nhất thế giới. Tổ chức Di cư Quốc tế cho biết tính đến tháng 3 năm nay, hơn 3 triệu người ở đó đã phải di dời.