Quyền sở hữu trí tuệ - câu chuyện thời sự của 'xứ Chùa Vàng'

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Nội các Thái Lan đã phê duyệt một khuôn khổ mới để thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi nước này tìm cách ra khỏi danh sách theo dõi của Mỹ trước các cuộc đàm phán thuế quan với Washington.

Chú thích ảnh
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới ngày 27/5, Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan cho biết kế hoạch làm việc về sở hữu trí tuệ của Thái Lan đã được chuẩn bị với sự phối hợp của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và việc thông qua kế hoạch này sẽ mở đường cho việc đưa Thái Lan ra khỏi danh sách theo dõi của Mỹ. Ông Pichai nhấn mạnh khuôn khổ này “là minh chứng cho quyết tâm của Thái Lan trong việc giải quyết vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ”, đồng thời nói thêm rằng kế hoạch này hiện sẽ được chia sẻ với USTR và nhiều cơ quan khác của Thái Lan để thực hiện các bước khắc phục.

Theo một tuyên bố của chính phủ, Thái Lan - quốc gia có tên trong danh sách theo dõi của Mỹ về các nước vi phạm sở hữu trí tuệ kể từ năm 2007 - đã hợp tác với USTR để cải thiện chế độ quản lý bao gồm nhãn hiệu, bằng sáng chế dược phẩm và bản quyền cùng nhiều vấn đề khác.

Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ lỏng lẻo là một trong những rào cản thương mại phi thuế quan mà Mỹ nêu ra sau khi Thái Lan đạt thặng dư thương mại 45,6 tỷ USD với Washington vào năm ngoái. Vào tháng 4 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo sẽ áp thuế 36% đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan, song hiện việc áp thuế đối ứng này đang trong giai đoạn tạm dừng trong 90 ngày.

Lệnh hoãn áp thuế sẽ kết thúc vào ngày 9/7 và các quan chức Mỹ đã tuyên bố rằng các quốc gia không đạt được thỏa thuận với Washington vào thời điểm đó sẽ bị áp mức thuế đã công bố. Tuy nhiên, họ có thể tiếp tục đàm phán nếu muốn thay đổi.

Bộ trưởng Pichai bày tỏ hy vọng Thái Lan và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán thuế quan chính thức trước thời hạn. Ông cho biết một nhóm công tác gồm các quan chức Thái Lan đã thường xuyên làm việc với các quan chức Mỹ để chuẩn bị cho những cuộc đàm phán chính thức.

Khuôn khổ mới về quyền sở hữu trí tuệ kêu gọi sửa đổi Đạo luật Bản quyền của Thái Lan để phù hợp với Hiệp ước Biểu diễn và Bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới. Điều đó sẽ bảo vệ quyền của các nhà sản xuất và sáng tạo chương trình nghe nhìn và áp dụng các hình phạt dân sự và tài chính lớn hơn đối với những người vi phạm.

Theo Chính phủ Thái Lan, những thay đổi có hiệu lực từ năm 2027 sẽ giúp giải quyết vấn đề phần mềm và vi phạm bản quyền trực tuyến cũng như quyền được bồi thường công bằng cho người nắm giữ bản quyền.

Theo kế hoạch làm việc mới, Thái Lan cũng có thể cải thiện các quy định về bằng sáng chế để giải quyết mối đe dọa từ sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm dược phẩm giả.

Đỗ Sinh (Pv TTXVN tại Bangkok)
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP

Nhằm nâng cao giá trị của các sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo hiệu ứng tích cực cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, thương hiệu của các sản phẩm OCOP được bảo vệ, duy trì và phát triển, tiếp cận ngày càng gần hơn với người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN