Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến do Viện Brooking có trụ sở tại Washington, Mỹ, tổ chức, Quốc vương Abdullah II nhấn mạnh: "Việc hướng sự chú ý và nguồn lực của chúng ta nhằm chống lại đại dịch (COVID-19) đã làm xao nhãng sự tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ... dù cuộc chiến có thể giành chiến thắng nhưng đó vẫn chưa phải điểm kết thúc".
Ông cho rằng bất bình đẳng gia tăng cùng với các cuộc khủng hoảng mới do dịch COVID-19 gây ra sẽ tạo điều kiện cho các nhóm thánh chiến tuyển mộ thêm thành viên. Ông đã đưa ra các ví dụ như tổ chức khủng bố Al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như nhóm phiến quân Boko Haram ở Nigeria và Al-Shabaab ở Somalia.
Hội nghị trên quy tụ các nhà lãnh đạo và chuyên gia nhằm thảo luận những ưu tiên của chính quyền mới ở Mỹ trong vấn đề Trung Đông và Bắc Phi.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành nhiều phiên họp thảo luận về các biện pháp chống khủng bố cũng như bạo lực cực đoan ở nhiều khu vực trên thế giới. Hồi đầu tháng này, HĐBA LHQ đã họp trực tuyến để nghe báo cáo lần thứ 12 của Tổng Thư ký (TTK) LHQ về nguy cơ các phần tử khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.
Tại cuộc họp, các thành viên HĐBA đã bày tỏ quan ngại về xu hướng IS lợi dụng tình hình bất ổn do dịch COVID-19 và có xu hướng khôi phục trở lại hoạt động tại các khu vực xung đột, nhất là Iraq, Syria và các nước châu Phi, kích động khủng bố tại nhiều nước ngoài khu vực xung đột như châu Âu.
Do đó, các bên kêu gọi cần giải quyết triệt để các nguyên nhân gốc rễ của khủng bố, bao gồm các khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra; nhấn mạnh các biện pháp chống khủng bố phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo, nhân quyền quốc tế, có sự tham gia của toàn xã hội.