Trong tuyên bố, Quốc hội Syria nêu rõ cơ quan này lên án và công nhận tội diệt chủng của Đế chế Ottoman đối với người Armenia vào đầu thế kỷ 20.
Cho đến nay, những tranh cãi lịch sử xung quanh vụ thảm sát người Armenia thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất vẫn phủ bóng đen lên quan hệ giữa hai nước Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Armenia cho rằng có khoảng 1,5 triệu công dân nước này đã bị giết hại trong cuộc chiến tranh này. Trong khi đó, Ankara vẫn luôn bác bỏ cáo buộc về vụ thảm sát, cầm tù và trục xuất cưỡng ép đối với người Armenia từ năm 1915 và sau đó leo thang thành vụ diệt chủng dưới Đế chế Ottoman ngày 24/4/1915. Hiện đã có quốc hội của gần 30 quốc gia đã thông qua luật, nghị quyết hoặc kiến nghị về công nhận tội diệt chủng người Armenia.
Động thái trên của Quốc hội Syria được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đã leo thang sau khi quân đội Syria triển khai chiến dịch đẩy lùi phiến quân tại khu vực Idlib. Ngày 10/2 vừa qua, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ít nhất 5 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 5 người bị thương trong một cuộc đụng độ với các lực lượng của Chính phủ Syria tại tỉnh Idlib. Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có động thái đáp trả sau cuộc tấn công này và tuyên bố "vô hiệu hóa" 101 binh sĩ Syria. Vụ tấn công trên xảy ra sau khi Ankara triển khai hàng nghìn binh sĩ tới sân bay Taftanaz. Ước tính trong 10 ngày qua, đã có 13 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ tại Idlib.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 12/2 cảnh báo quân đội nước này sẽ tấn công các lực lượng của Chính phủ Syria, nếu có thêm bất kỳ một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nào bị thương.