Theo hãng tin AFP và tờ Jerusalem Times, các thành viên trong liên minh cầm quyền sắp mãn nhiệm của Thủ tướng Naftali Bennett và phe đối lập do cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo đã tranh cãi tại Quốc hội Israel (Knesset) từ tuần trước xoay quanh dự luật giải tán Knesset.
Liên minh muốn nhanh chóng thông qua dự luật sau khi Thủ tướng Bennett tuyên bố tuần trước rằng liên minh cầm quyền 8 đảng vốn bị chia rẽ về mặt ý thức hệ của ông không thể tồn tại thêm nữa.
Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Netanyahu và các đồng minh đã xúc tiến các cuộc đàm phán nhằm tìm cách thành lập một chính phủ mới do nhà lãnh đạo kỳ cựu Netanyahu đứng đầu trong quốc hội hiện nay, động thái sẽ tránh được cuộc bầu cử mới.
Sau những tranh cãi tại Quốc hội, cuối cùng hai bên đã nhất trí thúc đẩy một dự luật liên quan tới vấn đề giải tán Knesset và tổ chức bầu cử mới. Dự luật này dự kiến được hoàn tất vào ngày 30/6. Động thái của phe đối lập sẵn sàng giải tán Quốc hội Israel cho thấy các nỗ lực của cựu Thủ tướng Netanyahu nhằm thành lập một chính phủ mới ngay trong khóa quốc hội hiện nay đã không có kết quả.
Đầu giờ sáng 28/6, Ủy ban Hạ viện của Quốc hội Israel đã phê chuẩn dự luật. Sau đó văn kiện này được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Quốc hội. Kết quả là 53 phiếu thuận và không có phiếu chống.
Theo dự luật trên, Quốc hội Israel sẽ giải tán và cuộc bầu cử mới dự kiến được tổ chức vào ngày 25/10 hoặc 1/11 tới. Ngày bầu cử có thể được thảo luận thêm. Dự luật vẫn cần được thông qua trong hai phiên họp toàn thể nữa của Knesset.
Sau khi dự luật trên được thông qua lần cuối cùng, Thủ tướng Bennett sẽ chuyển giao quyền lực cho Ngoại trưởng Yair Lapid, phù hợp với một thỏa thuận chia sẻ quyền lực sau cuộc bầu cử hồi năm ngoái.
Liên minh của ông Bennett đang chia rẽ về tư tưởng, đặc biệt sau khi không thể đạt nhất trí về việc gia hạn một giải pháp nhằm đảm bảo cho người định cư Do Thái sống tại khu Bờ Tây được áp dụng luật pháp của Israel.
Ông Bennett cho rằng việc gia hạn biện pháp trên vào ngày 30/6 sẽ đặt ra nhiều nguy cơ an ninh và "rối loạn hiến pháp". Việc giải tán Quốc hội trước khi biện pháp trên hết hiệu lực đồng nghĩa với việc biện pháp tại khu Bờ Tây vẫn sẽ có hiệu lực cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.
Sau cuộc bầu cử năm 2021, các phe phái tại Israel đã đạt một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Đây là bước đi nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc luân phiên nắm giữ vị trí đứng đầu chính phủ giữa Thủ tướng Naftali Bennett (nắm quyền từ nay đến ngày 27/8/2023) và ông Yair Lapid, người giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Quy chế luân phiên thủ tướng, cũng như một số quy định khác, nhằm đảm bảo sự phân chia hài hòa giữa các chính đảng tham gia chính phủ liên minh. Tuy nhiên, với tỷ lệ đa số mong manh, việc thông qua các điều luật mới tại Knesset thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn trước sự phản đối của phe đối lập, dẫn tới những bế tắc trên chính trường nước này.
Theo một qui định sửa đổi, trong trường hợp các bên không thông qua được ngân sách chính phủ hoặc có thành viên của phe đa số thay đổi ý kiến dẫn đến việc giải tán Knesset, việc chuyển giao chức vụ thủ tướng giữa ông Bennett và ông Lapid sẽ diễn ra sớm hơn.