Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Berlin, cho tới trưa cùng ngày, cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ và các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào 18h. Kết quả bầu cử chính thức dự kiến sẽ được công bố một ngày sau cuộc bầu cử.
Cũng giống như các cử tri khác, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân là bà Elke Büdenbender đã tới điểm bỏ phiếu tại trường tiểu học Erich-Kästner-Grundschule thuộc quận Steglitz-Zehlendorf ở Berlin để tham gia bỏ phiếu, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bỏ phiếu qua đường bưu điện. Phát biểu trước đó, Tổng thống Steinmeier kêu gọi mọi công dân có quyền bầu cử tham gia bỏ phiếu để cùng chung tay xây dựng một nước Đức dân chủ mạnh và một tương lai tốt đẹp.
Vị nguyên thủ này cho biết Đức đang đứng trước một quá trình chuyển giao chính trị với nhiều thách thức phía trước, như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, số hoá, giáo dục và y tế, an ninh bên trong và bên ngoài cũng như hợp tác ở châu Âu. Ông khẳng định tiếng nói của từng cử tri sẽ được lắng nghe và những người tham gia bầu cử chính là cùng chung tay tạo dựng đường hướng của đất nước trong 4 năm tới.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên mà Thủ tướng đương nhiệm không tái tranh cử. Cử tri Đức cũng đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Thủ tướng Đức Merkel trong 16 năm cầm quyền vừa qua. Kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên năm 2005, bà Merkel đã duy trì được cho Đức một nền kinh tế mạnh, chính trị ổn định và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Thành tựu của bà đặc biệt phải kể đến trong chính sách đối ngoại, với nhiều dấu ấn trong bối cảnh thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng. Bà đã có công lớn giúp Đức cũng như châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng đồng euro năm 2008-2009 hay cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015. Trên cương vị đứng đầu Chính phủ Đức, mối quan hệ với đồng minh truyền thống Pháp được tăng cường, trong khi các nước châu Âu cũng gắn kết hơn với những định hình rõ rệt của khu vực.
Các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện những ngày qua cho thấy đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ứng cử viên Thủ tướng Olaf Scholz chỉ nhỉnh hơn một chút so với Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo của ứng cử viên Armin Laschet. Tuy nhiên, nhiều khả năng việc thành lập liên minh cầm quyền phải cần tới sự hợp lực của 3 đảng mới có thể chiếm quá bán để thành lập chính phủ và đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1957, nước Đức phải cần tới 3 đảng mới có thể giành được đa số cần thiết.
Giới quan sát cũng như các cử tri được hỏi đều nhận định, tiến trình thành lập liên minh cầm quyền sẽ hết sức khó khăn do mọi khả năng đều bỏ ngỏ, thậm chí việc thành lập chính phủ có thể hoàn toàn trái ngược với những nhận định thời gian qua.
Theo sự thống nhất của Hội đồng trưởng lão Quốc hội Đức gồm Chủ tịch Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện các chính đảng, cơ quan lập pháp mới của nước này có thể nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 26/10 tới, ngày cuối cùng cho phiên họp đầu tiên theo quy định là muộn nhất 30 ngày sau cuộc bầu cử.
Giới nghiên cứu đánh giá Quốc hội Đức tới đây có thể có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Theo nhà nghiên cứu bầu cử Robert Vehrkamp, Quốc hội Đức nhiệm kỳ mới thậm chí có thể lên tới 900 nghị sĩ. Ông Vehrkamp nhận định, với kết quả các cuộc thăm dò như hiện nay, nhiều khả năng Quốc hội Đức sẽ có từ 672-912 nghị sĩ so với con số 709 nghị sĩ hiện tại - con số đã ở mức cao kỷ lục cho tới nay.