Cụ thể, theo ông Thiel, tỷ lệ cử tri gửi phiếu qua đường bưu điện sẽ tăng gấp đôi so với cuộc bầu cử năm 2017. Cách đây 4 năm, khoảng 13,4 triệu cử tri Đức đã gửi phiếu theo cách này, chiếm 28,6% tổng số cử tri toàn liên bang và là mức cao nhất kể từ khi hình thức bầu cử qua thư được áp dụng từ năm 1957.
Tuy nhiên trong cuộc bầu cử lần này, do tình hình đại dịch COVID-19 nên dự kiến sẽ có trên 40% số cử tri bầu cử qua thư. Theo quy định, Ủy ban bầu cử của Đức đã gửi phiếu bầu cho tất cả những cử tri có nhu cầu bỏ phiếu qua đường bưu điện và chiều tối 24/9 là thời hạn cuối để bầu theo hình thức này.
Về tổng số lượng cử tri tham gia bầu cử năm nay, ông Thiel cho rằng đại dịch COVID-19 không gây tác động nhiều. Đều này đã được chứng minh qua các cuộc bầu cử nghị viện vừa qua ở các bang Baden-Württemberg, Rheinland-Pfalz và Sachsen-Anhalt.
Hiện tại, cử tri Đức đang quan tâm nhiều nhất tới việc hình thành liên minh cầm quyền sau bầu cử, do tình trạng phân mảnh hiện nay khiến nhiều người khó có thể đưa ra dự đoán của mình. Về lý thuyết, đảng đứng đầu sẽ có quyền lựa chọn thành lập liên minh nhưng vẫn có khả năng sẽ không thể tìm được liên minh quá bán ở Quốc hội để thành lập chính phủ.
Nếu may mắn lập được liên minh quá bán, các đảng trong liên minh sẽ đề xuất ứng cử viên thủ tướng lên Tổng thống liên bang Frank-Walter Steinmeier để Tổng thống đề cử lên Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Ứng cử viên chỉ có thể trở thành thủ tướng mới của nước Đức khi nhận được ủng hộ quá bán tại Quốc hội. Trong trường hợp ứng cử viên không được quá bán tại Quốc hội ủng hộ, Đức sẽ phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử lần 2, thậm chí lần 3 nhưng ở lần 3 này, ứng cử viên thủ tướng chỉ cần giành được đa số tương đối.
Hiện tại, bà Angela Merkel vẫn là Thủ tướng liên bang Đức cho đến khi Quốc hội phê chuẩn thủ tướng mới. Sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2017, các đảng ở Đức phải mất 171 ngày mới có thể thành lập được liên minh cầm quyền.