Tờ Business Insider (Mỹ) cho biết trong năm 2018 có báo cáo tiết lộ rằng ứng dụng theo dõi và phân tích thành tích tập luyện thể chất Strava có thể bị can thiệp để tiết lộ vị trí, tuyến đường tuần tra của quân đội Mỹ tại Syria, Afghanistan… Không chỉ quân đội Mỹ, vào năm 2020, nhiều nhà báo và các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thao túng Strava để lần dấu được hoạt động của đặc nhiệm Không quân Anh tại Syria và Somalia.
Trước đó, vào năm 2016, nhà thầu quốc phòng Mỹ PlanetRisk trong quá trình phát triển phần mềm theo dõi chuyển động của người di cư từ Syria tới châu Âu và Mỹ qua dữ liệu thu được từ ứng dụng thời tiết, trò chơi… đã nhận thấy họ cũng lần dấu được hoạt động của quân đội Mỹ từ dữ liệu thu được trong các ứng dụng điện thoại của binh sĩ.
Phát hiện này phơi bày một vấn đề gây đau đầu cho Lầu Năm Góc, đó là cách để bảo vệ binh sĩ, nhân viên tình báo và an ninh ở thời đại dữ liệu trên điện thoại và các thiết bị điện tử khác hoàn toàn có thể bị rò rỉ và mua lại.
Viện Chiến tranh Hiện đại thuộc Học viện Quân sự Mỹ West Point đã đưa ra báo cáo trong đó đề cập đến việc chỉ cần một cơ sở hàng không mở là có thể theo dõi chiến dịch giải cứu con tin của đặc nhiệm SEAL tại Niger.
Chính phủ Mỹ đã có áp dụng các biện pháp để giải quyết vấn đề này như cấm binh sĩ đeo thiết bị theo dõi sức khỏe, thể chất ở những địa điểm nhạy cảm. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Candice Tresch cũng nhấn mạnh cơ quan này “nhận thấy rủi ro từ khả năng theo dõi vị trí qua dữ liệu thương mại và từ mùa Hè năm 2018 đã ban bố quy định về việc sử dụng các thiết bị và ứng dụng có thể theo dõi vị trí người dùng. Quy định này bảo vệ binh sĩ Mỹ cùng các chiến dịch quân sự đồng thời vẫn tạo điều kiện linh hoạt để thu nhận lợi ích từ năng lực theo dõi vị trí trong một số tình huống ít rủi ro nhất định”.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ còn có bước đi rộng hơn khi yêu cầu nhân viên chính phủ không sử dụng ứng dụng TikTok phổ biến của Trung Quốc trên điện thoại thông minh.