Theo Đài RT ngày 8/1, thông tin trên do Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Alexei Danilov đưa ra trong chương trình “United News”.
Ông nói: “Chúng tôi đang nhận được đề xuất phiên bản Triều Tiên. Kiểu như “vĩ tuyến 38” có điều kiện. Đây là những người Ukraine kiểu này, còn đây là những người Ukraine kiểu kia. Người Nga bây giờ sẽ nghĩ ra bất cứ thứ gì. Tôi biết chắc chắn rằng một trong những lựa chọn mà họ có thể đưa ra cho chúng tôi là vĩ tuyến 38”.
Theo ông Danilov, Phó Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Nga Dmitry Kazak đã gặp gỡ các cựu chính trị gia ở châu Âu và thông qua họ truyền tải thông điệp rằng Nga sẵn sàng nhượng bộ để khắc phục hiện trạng và buộc Ukraine phải đình chiến.
Đồng thời, ông Danilov nhấn mạnh rằng trong cuộc gặp gần đây, đại diện của Hàn Quốc đã lưu ý rằng việc chia bán đảo Triều Tiên thành hai phần dọc theo vĩ tuyến 38 là một sai lầm.
“Phiên bản Triều Tiên” nói trên chỉ là một trong nhiều đề xuất hòa bình mà các bên đưa ra để chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang tháng thứ 10.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm trong bài phát biểu qua video ngay ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 15/11. Các bước đi trong kế hoạch này bao gồm: An toàn bức xạ và hạt nhân; An ninh lương thực; An ninh năng lượng; Trả tự do cho tù nhân và người bị trục xuất; Thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc; Rút quân đội Nga và chấm dứt chiến sự; Lập tòa án đặc biệt xét xử các tội ác chiến tranh; Bảo vệ môi trường; Ngăn ngừa leo thang; Ký kết hiệp ước kết thúc chiến tranh.
Ông Zelensky cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 sử dụng tất cả quyền lực để khiến Nga từ bỏ các mối đe dọa hạt nhân và áp đặt trần giá năng lượng nhập khẩu từ Nga. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, xung đột phải kết thúc công bằng và trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc. Ukraine không nên thỏa hiệp về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của mình. Ông Zelensky nói thêm sẽ không có thỏa thuận Minsk-3 nào.
Khi được yêu cầu bình luận về bài phát biểu của ông Zelensky, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc Tổng thống Ukraine bác bỏ Thoả thuận Hoà bình Minsk cho thấy chắc chắn rằng Kiev không sẵn lòng đàm phán với Moskva.
Thoả thuận Hoà bình Minsk-1 và Minsk-2 đã được ký kết vào năm 2014 và 2015 qua vai trò trung gian của Đức, Pháp và Nga. Hai thỏa thuận này nhằm chấm dứt cuộc giao tranh giữa Ukraine và Cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng bằng cách trao cho họ vị thế đặc biệt trong nhà nước Ukraine.
Ngày 3/10, trên Twitter, tỷ phú Elon Musk đã đề xuất kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tỷ phú Musk gợi ý tổ chức các cuộc bầu cử mới ở 4 khu vực gần đây đã bỏ phiếu để sáp nhập Nga, còn Ukraine sẽ cam kết trung lập và từ bỏ yêu sách đối với bán đảo Crimea. Ông Musk cho rằng Nga nên thực hiện lại các cuộc bầu cử ở các khu vực sáp nhập dưới sự giám sát của Liên hợp quốc và Nga sẽ rút khỏi các khu vực này nếu cử tri muốn. Theo kế hoạch, Crimea sẽ được tuyên bố chính thức là một phần của Nga, như từ hồi năm 1788 cho đến khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev trao bán đảo này cho Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine vào năm 1954.
Sau đó, ông Musk đề nghị Ukraine cam kết trung lập như Nga đã yêu cầu từ lâu trước khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự vào tháng 2, đồng thời đảm bảo cung cấp nước cho Crimea. Ukraine đã cắt nguồn cung nước vào năm 2014 sau khi người dân Crimea bỏ phiếu để tái gia nhập Liên bang Nga. Ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine, nguồn cung đã được khôi phục.
Quốc hội Ukraine đã phản ứng với đề xuất trên bằng một câu trả lời đơn giản là “không”, còn Đại sứ sắp mãn nhiệm của Ukraine tại Berlin, Andrey Melnik, đã phản ứng mạnh mẽ.
Ngày 18/5, đài RT dẫn nguồn tờ La Repubblica (Italy) đưa tin, Ngoại trưởng Italy, ông Luigi Di Maio đã trình bày kế hoạch hòa bình Ukraine với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Bốn giai đoạn của kế hoạch sẽ được thực hiện theo thứ tự, mà từng bước đều kiểm tra lòng tin của các bên liên quan trước khi có thể đạt được bước tiếp theo.
Giai đoạn đầu tiên là ngừng bắn và phi quân sự hóa chiến tuyến ở miền Đông Ukraine. Sau đó, các cuộc đàm phán đa phương sẽ diễn ra, bàn về vị thế quốc tế trong tương lai của Ukraine. Thứ ba, Ukraine và Nga sẽ đàm phán một thỏa thuận về quy chế của Crimea và các Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk. Giai đoạn cuối cùng là thiết lập một thỏa thuận đa phương về hòa bình và an ninh ở châu Âu, tập trung vào giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí, cũng như rút các lực lượng Nga khỏi lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên ngày 19/5 rằng Moskva không hề hay biết về kế hoạch này cho đến khi biết được sự tồn tại của kế hoạch trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, ông Peskov nói thêm rằng sự tham gia của bất kỳ ai có thể giúp đạt được thỏa thuận đều được hoan nghênh và không ai từ chối bất kỳ nỗ lực chân thành nào.
Có thể nói, dù các bên đưa ra nhiều kế hoạch hòa bình, nhưng triển vọng đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn chưa sáng sủa.