Bất hòa xuất phát từ đâu?
Căng thẳng đã bùng phát thành bất hòa chính thức vào tháng 7/2022, khi Mỹ và Canada đệ đơn khiếu nại Mexico dựa trên thỏa thuận thương mại chung của 3 nước là Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA)
Khiếu nại có nội dung rằng các nỗ lực của Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ và Canada. Theo Mỹ và Canada, thị trường đã bị thay đổi để có lợi cho công ty dầu mỏ nhà nước của Mexico là Petroleos Mexicanos (Pemex) và công ty điện lực quốc gia CFE.
USMCA cấm các quốc gia thành viên được ban hành luật ưu tiên nhà sản xuất nội địa hoặc doanh nghiệp nhà nước.
Các cuộc đàm phán để giải quyết bất hòa đã bắt đầu, nhưng đang bị đình trệ. Canada và Mỹ vào năm 2022 đã đồng ý kéo dài quá trình này vượt thời hạn ban đầu 75 ngày. Theo nội dung của USMCA, nếu tranh cãi không được giải quyết trong quá trình tham vấn, một ban hội thẩm có thể được triệu tập để phân xử.
Lập luận của Mexico
Tổng thống Mexico Lopez Obrador nói rằng nước này không vi phạm luật nào và “sẽ không có gì xảy ra”. Ông Lopez Obrador nhấn mạnh năng lượng là vấn đề trong nước và đề cập đến một điều khoản mà ông đã đưa vào USMCA quy định quyền sở hữu “không thể chuyển nhượng” của Mexico đối với dầu mỏ và khí đốt của nước này.
Hầu hết các nhà phân tích dự đoán Mexico sẽ thua nếu ban hội thẩm được yêu cầu giải quyết tranh chấp. Điều đó có thể rất tốn kém đối với Mexico, làm tăng nguy cơ Mỹ áp thuế trừng phạt. Cả Mỹ và Mexico trước đó nhấn mạnh họ muốn giải quyết bất đồng trước khi đưa ra một ban hội thẩm. Các cuộc đàm phán chậm lại sau khi Bộ trưởng Kinh tế Mexico Tatiana Clouthier từ chức vào tháng 10/2022. Theo Reuters, người kế nhiệm bà Clouthier đã loại bỏ một số nhà đàm phán thương mại có kinh nghiệm.
Trước khi thực hiện cải cách năng lượng năm 2013, Mexico phải đối mặt với một số vấn đề: giá điện cao, công suất phát điện thấp và các “nhà máy điện bẩn” thường đốt dầu để sản xuất điện. Do vậy chính phủ Mexico đã xây các đường ống để nhập khẩu khí đốt tự nhiên sạch hơn từ Mỹ, tạo điều kiện để các công ty mua điện từ cơ sở sản xuất độc lập và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài lắp đặt turbine điện gió hoặc nhà máy điện khí.
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), Mexico có thể đã tạo quá nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài liên quan đến lĩnh vực điện lực. Họ được ưu đãi về giá do vậy không phải trả phí cho Ủy ban Điện lực Liên bang Mexico để phân phối điện qua các đường dây truyền tải thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, các thực thể nhà nước đánh mất thị phần và thu nhập trong khi vẫn phải duy trì đường dây truyền tải điện. Tổng thống Lopez Obrador không hề muốn viễn cảnh Ủy ban Điện lực Liên bang Mexico phá sản hoặc mất thêm thị phần.
Ông Lopez Obrador coi chính sách năng lượng là nền tảng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, điều này khiến ông khó có thể lùi bước. Chính quyền của Tổng thống Lopez Obrador cũng lưu ý về sự hỗ trợ của Mexico trong việc giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ vốn là yếu tố quan trọng trong nền chính trị Mỹ. Điều này mang lại cho Mexico một đòn bẩy ngầm.
Ngành công nghiệp Mexico cũng “kết giao” chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ đến mức xung đột thương mại có thể gây đau đớn cho cả hai nước vào thời điểm khu vực này đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào châu Á và giảm lạm phát tăng vọt.
Tuy nhiên, bất hòa này đã đánh vào niềm tin của các nhà đầu tư ở Mexico. Tổng thống Lopez Obrador đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ cho sản lượng điện Mặt Trời ở miền Bắc Mexico và thu hút đầu tư vào sản xuất xanh, đặc biệt là sản xuất ô tô, một ngành công nghiệp then chốt.